Chỉ có 30% số người đọc sách tại Việt Nam

Ngày đăng: 26/03/18

Những thông tin mới nhất từ báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới, chỉ có 30% số người đọc sách; hơn nữa trong khi đó chỉ có 22% nguồn nhân lực được qua đào tạo. Đã quá muộn để gióng lên hồi chuông cảnh báo về chất lượng nguồn lao động Việt Nam khi tham gia AEC vào 31/12/2015.

Việt Nam có dân số hơn 90 triệu người, lực lượng lao động dồi dào với khoảng 55 triệu người, độ tuổi trung bình thấp, người lao động thông minh, sáng tạo, rất cần cù, chăm chỉ, chấp nhận mức thu nhập thấp hơn nhiều so với các nước khu vực. Nhưng mặt trái là nguồn nhân lực Việt Nam lại có kỹ năng thấp, số đã qua đào tạo còn thấp.

Trong khi nhu cầu lao động cũng rất lớn, các DN đang hoạt động tại Việt Nam thường không tuyển đủ số lao động theo đúng yêu cầu chất lượng, thì lại có hiện tượng người lao động Việt Nam được đào tạo ra vẫn không có việc làm do thiếu kỹ năng, do ngành nghề đào tạo không phù hợp nhu cầu thực tiễn…

Vấn đề là chất lượng nguồn nhân lực đang là một nút thắt phát triển của Việt Nam, đã có nhiều chủ trương coi chất lượng nguồn nhân lực là quan trọng, nhân tố con người là quyết định của thành công. Mặc dù chủ trương, chính sách không thiếu, nhưng giữa chủ trương và thực hiện đang có khoảng cách, vì thế, cung cầu lao động vẫn chưa gặp nhau.

Vẫn còn nhiều câu chuyện sinh viên ra trường thất nghiệp, thiếu việc làm, nhiều người trong đó không đáp ứng được các kỹ năng việc làm, trong khi đó các doanh nghiệp đang thiếu nhâ lực, có những lao động từ nước ngoài gia nhập thị trường lao động Việt Nam

0f13b4716c

Chưa đồng bộ giữa các cấp đào tạo, còn xa rời thực tiễn

Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận, 5 năm qua Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ về nguồn lực con người. Một kết quả đáng khích lệ khác là việc học sinh Việt Nam luôn đạt thành tích cao trong các kỳ trắc nghiệm học sinh quốc tế (PISA). Cụ thể, kết quả kiểm tra PISA năm 2012 cho thấy, học sinh trong độ tuổi 15 của Việt Nam đạt thành tích trong môn toán và kỹ năng đọc cao hơn nhiều nước OECD.

Nhưng, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng: “Quan trọng là phải làm sao để hệ thống giáo dục giúp phát huy được những tài năng đó ở các bậc đào tạo dạy nghề và đại học. Phải đảm bảo được rằng, khi tài năng phát lộ ở lứa tuổi 15 thì sẽ không bị mai một vào thời điểm học xong đại học.”

Nhiều chuyên gia đưa ra ý kiến cho thấy nguồn nhân lực của Việt Nam vẫn còn khoảng cách rất xa mới đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập hiện nay. “Công tác chuẩn bị cho sinh viên và học sinh sẵn sàng đảm đương được các công việc được trả lương cao hơn, năng suất cao hơn vẫn chưa đạt yêu cầu” – Báo cáo Nâng cao kỹ năng của WB đánh giá.

Nguyên nhân có nhiều, song lớn nhất phải kể tới sự không ăn khớp giữa các cấp giáo dục. Trong đó, giáo dục trung học phổ thông được đánh giá là khâu yếu nhất trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Hiện nay, tỷ lệ chuyển cấp từ trung học cơ sở lên trung học phổ thông đã giảm mạnh từ 80% xuống còn 60% trong khi sớm muộn gì thì trung học phổ thông sẽ trở thành đòi hỏi tối thiểu của thị trường lao động (TTLĐ) bởi nhu cầu về kỹ năng cao ngày càng tăng và xã hội ngày càng đòi hỏi trình độ lao động cao hơn. Sự thiếu ăn khớp cũng thể hiện ở việc các ngành nghề đào tạo không khớp với nhu cầu trên thị trường, đặc biệt là nhu cầu từ các DN.

Hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở đào tạo đang giảng dạy cho các học viên những ngành nghề không còn tồn tại hoặc không có triển vọng; xa rời giữa công việc, kỹ năng được đào tạo với thực tế…

Thiếu nhân sự kỹ năng cao

Thiếu nhân sự ở đội ngũ cấp trung và cấp cao của Việt Nam cũng đang là những thách thức, bởi hội nhập, việc Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập ngày 31/12 năm nay sẽ cho phép sự tự do luân chuyển lao động trong cả 10 nước ASEAN (trước mắt trong 8 ngành nghề), khi đó, sẽ gây áp lực lớn hơn cho Việt Nam.

Theo khảo sát của Công ty Navigos Search, khan hiếm nhân sự cấp trung và cấp cao là hiện hữu. Có tới 41% số người tham gia khảo sát tại Việt Nam cho biết, trong vòng 12 tháng qua, họ không tìm được đủ nhân sự cấp trung và cấp cao người Việt cho DN mình. Thiếu kỹ năng lãnh đạo cũng đang là một vấn đề đáng quan tâm khi chỉ có 9% những người tham gia khảo sát hài lòng về kỹ năng lãnh đạo của nhân sự cấp trung, cấp cao người Việt trong các công ty nước ngoài.

“Thông điệp từ cuộc khảo sát này là, các DN cần tiếp tục xây dựng các chương trình liên quan đến “Thương hiệu nhà tuyển dụng” và “Gắn kết nhân viên”, trong đó bao gồm các giải pháp có liên quan đến con người – vốn là nguồn lực quý giá nhất trong việc xây dựng một DN thành công và phát triển lâu dài” – bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết.

Gần 42 triệu lao động chưa qua đào tạo nghề

Thực tế, thì chất lượng nguồn nhân lực của ta còn quá thấp so với các nước, theo báo cáo mới nhất của Bộ Lao động TBXH, thì 78% người lao động chưa hề được qua đào tạo nghề, cấp chứng chỉ. Đây là khâu yếu nhất mà nhà nước và xã hội cần phải nhận thức để có biện pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, không nên để tự phát, bỏ mặc, muốn đến đâu thì đến như hiện nay. Với trình độ như hiện nay, lao động Việt Nam khi tham gia thị trường lao động nước ngoài thì chỉ có thể làm những công việc tay chân không đòi hỏi kỹ năng nhiều

giaoducbetraikthichdocsach5

Người Việt Nam không đọc sách thì tri thức đến từ đâu?

Mới đây, báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thê thao & Du lịch) đã chỉ ra rằng, tỷ lệ người Việt Nam đọc sách thấp hơn nhiều so với các nước trên thế giới.

Cụ thể, tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, tỷ lệ người thỉnh thoảng mới đọc sách chiếm 44%, người đọc thường xuyên chiếm tỷ lệ 30%. Bạn đọc của thư viện chỉ chiếm khoảng 8 – 10 % dân số.

Ông Nguyễn Quang Thạch, người đã có 19 năm nghiên cứu và thực hiện chương trình Sách hóa nông thôn cho biết, tỷ lệ người Việt Nam hoàn toàn không đọc sách có thể nhiều hơn 26% dân số. Phải giải thích rằng, những người hoàn toàn không đọc sách nói chung ở đây không phải là mù chữ mà đây là thói quen không đọc sách thường xuyên và không có sách phù hợp để đọc.

Làm gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Để nguồn nhân lực phát triển thực chất, thì cần có những đột phát trong vấn đề giáo dục đào tạo, trên cơ sở một nền giáo dục bình đẳng và hướng tới chất lượng, hiệu quả.

Muốn vậy, cần thực hiện đầy đủ các cải cách giáo dục mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa. Theo các tổ chức phi chính phủ tại Việt Nam, đây chính là nền tảng để tạo ra những con người tự do, sáng tạo và tự chủ – những tố chất cần thiết cho hội nhập toàn cầu.

Chính phủ thúc đẩy cải cách giáo dục theo hướng tăng tự chủ cho các cơ sở đào tạo (cả công lập và dân lập). Cho phép họ tự chủ về chương trình đạo tạo, tài chính, nhân sự, tuyển sinh, nghiên cứu khoa học… Có như vậy nền giáo dục mới nhanh chóng đáp ứng được đòi hỏi phát triển của đất nước.

Về cải cách giáo dục, mấy năm nay thường xuyên cải cách, nhưng hình như là “cải lùi”, đã có rất nhiều ý kiến về sách giáo khoa và cải cách giáo dục. Hãy thử nhìn xem Hàn Quốc, khi thay sách giáo khoa họ lấy nguyên sách của Nhật để áp dụng, trừ các môn lịch sử, địa lý, văn học và kết quả là rất thành công.

Việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm 2015 sẽ tạo nhiều cơ hội việc làm, trước mắt, có 8 nghề mà lao động trong các nước ASEAN được tự do di chuyển thông qua các thỏa thuận công nhận tay nghề tương đương (gồm: kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên du lịch). Bên cạnh đó, nhân lực trình độ cao (chuyên gia, thợ lành nghề) thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, có cơ hội di chuyển tự do hơn. Đây chính là thách thức khi phải cạnh tranh ở chính thị trường Việt Nam với lao động đến từ các nước trong khu vực, trong khi lao động của ta lại chưa được đào tạo.

Con số 78% lao động chưa được đào tạo thực sự là hồi chuông cảnh báo về nguồn nhân lực Việt. Chúng ta cần khẩn trương có biện pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực này càng sớm càng tốt, cần phải khai thác tốt nguồn nhân lực quí giá này cho phát triển bền vững, và cũng là cứu cánh để nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, giúp họ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.