Ngày đăng: 12/10/21
“Lịch sử văn minh Ấn Độ” mang đến cái nhìn toàn diện về lịch sử, văn hóa và con người Ấn Độ trong suốt chiều dài lịch sử. Cho đến tận ngày nay, xứ Ấn vẫn không ngừng nỗ lực chứng minh cho Phương Tây thấy một thế giới mới của trí tuệ.
Nơi khởi phát của nền văn minh cổ
Biết về lịch sử, biết về văn minh nhân loại giúp ta có thêm sự hiểu biết về quá khứ và dự đoán những điều sẽ xảy ra trong tương lai. Will Durant (1885-1981) – triết gia, sử gia người Mỹ gốc Pháp, cùng với vợ mình là Ariel Durant đã dành 40 năm hoàn thiện bộ “Lịch sử Văn Minh” bao gồm 11 tập. Trong “Di sản phương Đông” - mở đầu của công trình đồ sộ “Lịch sử Văn Minh”, hai vợ chồng ông bà đã dành nhiều tâm huyết đi thực địa và tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người phương Đông, tiêu biểu là các công trình nghiên cứu về “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, “Lịch sử văn minh Trung Hoa”, “Lịch sử văn minh Ả Rập”.
Ấn Độ là một trong những nền văn minh cổ nhất thế giới. Các cuộc phát kiến đã phát hiện ra các chứng tích của buổi đầu văn minh bị chôn vùi dưới đất và trên bờ sông phía Tây Indus, nhiều di tích của một nền văn minh cổ hơn bất kỳ nền văn minh mà nhân loại đã từng biết đến và được tìm thấy.
Trong cuốn sách “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, Will Durant đã dẫn chứng những nỗ lực thuần hóa cây trồng từ giai đoạn khởi sinh văn minh lưu vực sông Ấn (2.800 – 1.800 TCN) đến văn hóa nông nghiệp toàn diện trong thời kỳ hoàng kim Gupta (năm 319 - 467) đưa Ấn Độ phát triển thành một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại.
Nền văn minh ấy đã tạo nên một dấu ấn khó phai mờ như Will Durant đã viết: “Không thể kết luận về lịch sử Ấn Độ như kết luận lịch sử Ai Cập, Babylone hoặc Assyrie được vì lịch sử Ấn Độ còn được tiếp tục, nền văn minh ấy đang sáng tạo nữa.”
Nền văn minh độc đáo của nhân loại
Ấn Độ được biết đến là cái nôi của tôn giáo lớn trên thế giới như Ấn Độ giáo, Phật giáo, đạo Jain, đạo Sikh... Hầu hết, tôn giáo giữ vai trò trung tâm, có tầm ảnh hưởng rộng khắp và chi phối mọi mặt đời sống từ văn hóa, chính trị, đời sống của con người nơi đây.
Đặc biệt, Ấn Độ là một trong những cái nôi của triết học phương Đông, khi triết học Ấn và tôn giáo đan xen với nhau, tạo nên vẻ đẹp thâm trầm và bí ẩn. Cùng với đó, đời sống văn học, nghệ thuật của nền văn minh Ấn Độ vô cùng phong phú thể hiện qua hai bộ sử thi là Mahabharata và Ramayana – đại diện cho tư tưởng, sức sống tiềm tàng với những giá trị tinh thần, đạo đức của con người Ấn Độ cho đến nay vẫn được tìm tòi, khám phá. Bên cạnh đó, kiến trúc là một trong những thành tựu nổi bật nhất của lịch sử văn minh Ấn Độ, kiến trúc Ấn mang sắc thái riêng độc đáo với các kiểu loại hình kiến trúc: cột đá, mộ tháp, chùa chiền, cung điện… Điêu khắc Ấn Độ cũng mang đậm bản sắc dân tộc với việc khắc tượng Phật và các tượng thần của đạo Hindu. Những thành tựu rực rỡ ở nhiều lĩnh vực đã giúp Ấn Độ trở thành một trung tâm văn minh lớn của thế giới trong thời cổ trung đại, mà còn có những ảnh hưởng nhất định vào sự phát triển của xứ Ấn trong các giai đoạn tiếp theo.
Trong “Lịch sử văn minh Ấn Độ”, Will Durant còn nhắc đến phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của Ấn Độ với dấu ấn của Mahatma Gandhi (1869-1948) – vị lãnh đạo tinh thần của người dân Ấn Độ – cha đẻ của học thuyết Bất bạo động nổi tiếng đã giúp dân tộc Ấn thoát khỏi ách thống trị của thực dân Anh và hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn.
Với độ dài hơn 400 trang và 9 chương, “Lịch sử văn minh Ấn Độ” đã mang đến cái nhìn rõ nét về xứ Ấn với những đóng góp riêng biệt cho sự phát triển của nhân loại. Nhà sáng lập – Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã cẩn trọng, tuyển chọn cuốn “Lịch sử văn minh Ấn Độ” thuộc lĩnh vực Chính trị học trong Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời. Độc giả có thể tìm đọc và chọn mua sách tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc tại App Trung Nguyên Legend Café cho phiên bản in và ebook.
TRI THỨC LÀ ÁNH SÁNG!
TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC!
(Đón đọc kỳ sau: “Quân vương” và nghệ thuật lãnh đạo.)