Ngày đăng: 26/03/18
Vào ngày 29/12/2017, Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt lần đầu tiên đến với trường Đại học Giao Thông Vận Tải, thu hút sự tham dự của gần 600 bạn sinh viên khoa Vận tải kinh tế trong bầu không khí hồ hởi và tràn đầy sức trẻ. Buổi toạ đàm mang chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ trong kỷ nguyên 4.0” với sự tham gia chia sẻ đầy tâm huyết của các diễn giả: Á hậu Việt Nam 2016 Ngô Thanh Thanh Tú; Chuyên gia khởi nghiệp Đỗ Thị Tú Anh – Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp SYS, người phụ nữ với gần 15 năm kinh nghiệm làm công tác cố vấn cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam; Doanh nhân, nhà đầu tư thiên thần, cố vấn khởi nghiệp Nguyễn Tiến Trung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Kankyo Việt Nam, thành viên hội đồng phê duyệt đề án 844 về Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Bộ Khoa Học Công Nghệ. Các diễn giả khách mời đã mang đến cho các bạn sinh viên những góc nhìn chuyên môn cũng như những kinh nghiệm thực tiễn đầy bổ ích, giúp các bạn thêm vững tin và tiếp tục hiện thực hóa những khát vọng khởi nghiệp của riêng mình.
Ba diễn giả cùng hàng trăm sinh viên trường Đại học GTVT Hà Nội tham gia giao lưu chia sẻ trong Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt
Công chúng vốn đã biết đến Thanh Tú là một cô Á hậu đầy tài năng: tốt nghiệp khoa Luật quốc tế của Học viện Ngoại giao, thành thạo 3 ngoại ngữ và hiện đang thử sức mình trong vai trò MC chuyên nghiệp. Chia sẻ về quyết định dự thi Hoa hậu Việt Nam 2016 khi lúc đó bản thân đang đứng trước giữa ngã ba cuộc đời, cô gái trẻ Thanh Tú đã vượt qua sự phản đối của gia đình, kiên định với con đường mà mình đã chọn và gặt hái được thành công tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 với danh hiệu Á hậu 1. Thay vì đi theo con đường có phần “êm đềm” đó là dự kỳ thi tuyển công chức của Bộ Ngoại giao như gia đình đã định hướng, Thanh Tú lựa chọn con đường nhiều thử thách và không hề dễ dàng đối với một cô gái 21 tuổi khi đó. Cho rằng tuổi trẻ cần phải luôn đặt mình đứng trước những thử thách và cơ hội, Thanh Tú quyết định tham gia cuộc thi sắc đẹp cũng chính là để bản thân thoát khỏi “vùng an toàn” và trải nghiệm những điều mới mẻ: “Đối với Tú, đi thi hoa hậu là một sự khởi đầu cho con đường sự nghiệp của mình. Qua cuộc thi Tú có cơ hội được rèn luyện kỹ năng, xây dựng những mối quan hệ và quan trọng hơn là khám phá bản thân mình. Bạn đã có khát vọng và đam mê, bạn cần phải đấu tranh để theo đuổi nó, hãy thể hiện bản lĩnh để khẳng định bản thân”. Thanh Tú cũng cho rằng khởi nghiệp là một quá trình, sẽ có những khó khăn và thách thức nhưng đối với người trẻ thì điều quan trọng đó là dám đương đầu với thách thức, kiên trì theo đuổi và cuối cùng sẽ gặt hái được thành công.
Chia sẻ về những kinh nghiệm để trang bị cho bản thân kiến thức và kỹ năng ngay từ khi còn là một cô sinh viên Ngoại giao, Thanh Tú cho biết đã từng đi làm thêm và làm rất nhiều công việc khác nhau. Trải nghiệm từ những công việc làm thêm đã giúp Thanh Tú học hỏi thêm nhiều kiến thức và kinh nghiệm cũng như kỹ năng giao tiếp xã hội, kỹ năng sống vô cùng quý báu; qua đó góp phần xây dựng lên một Thanh Tú đầy bản lĩnh của hiện tại: “Các bạn sinh viên cần có tư duy khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Có thể bắt đầu từ những công việc làm thêm tuy nhỏ, nhưng chính những công việc đó sẽ giúp các bạn trau dồi kiến thức và kỹ năng trong cuộc sống và chuẩn bị cho con đường khởi nghiệp của mình sau này”.
Chị Đỗ Thị Tú Anh – người được mệnh danh là “hoa hậu giới khởi nghiệp” đã có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác tư vấn, đào tạo và hướng dẫn cho các khởi nghiệp trẻ tại Việt Nam. Theo chị Tú Anh, điều quan trọng trong khởi nghiệp chính là cần xác định được năng lực lõi của bản thân. Chia sẻ về cái nghiệp của riêng mình, chị Tú Anh cho biết đã từng trải qua rất nhiều công việc khác nhau trong quá khứ và cuối cùng chị Tú Anh nhận ra rằng công việc mà mình yêu thích nhất cũng như có khả năng nhất chính là viết lách. “Yếu tố quan trọng nhất chính là xác định được năng lực lõi của bản thân. Chúng ta cần biết mình giỏi nhất trong lĩnh vực nào, hãy thử nhiều công việc khác nhau cho đến khi có thể khẳng định được mình sẽ thành công với công việc đó, đó cũng chính là xác định được “nghiệp” cho bản thân mình”.
Cũng theo chị Tú Anh, các bạn trẻ khởi nghiệp trong kỷ nguyên 4.0 sẽ có những lợi thế và khó khăn nhất định. Chị đề cao việc động viên và khích lệ tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, nhất là khởi nghiệp bền vững và tạo ra được giá trị cho xã hội và cộng đồng. Nói về những khó khăn và thách thức mà các bạn trẻ sẽ gặp phải khi khởi nghiệp, chị Tú Anh cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam còn chưa hoàn thiện, các nguồn lực hiện đang phân tán và chưa có cơ chế kết nối nguồn lực để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Vì vậy, theo chị Tú Anh để có thể khởi nghiệp thì các bạn trẻ cần dám chấp nhận rủi ro: “Khi các bạn có một ý tưởng, các bạn nhìn vào thực tế và các bạn không thể biết điều gì đang chờ đợi mình ở phía trước. Khởi nghiệp đòi hỏi thời gian học hỏi, nghiên cứu một cách nghiêm túc và đừng quá ảo tưởng khi quyết định dấn thân khởi nghiệp”.
Doanh nhân, nhà đầu tư thiên thần Nguyễn Tiến Trung là cựu sinh viên khoa Cơ khí của trường Đại học Giao thông vận tải. Anh là một trong những người có nhiều đóng góp trong việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua việc giảng dạy, cố vấn, làm nhà đầu tư thiên thần cho các dự án khởi nghiệp trong nhiều lĩnh vực. Là người có nhiều kinh nghiệm và chứng kiến sự phát triển của cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam, anh đã chia sẻ những góc nhìn rất thú vị tới các bạn sinh viên trường Giao Thông Vận Tải, trước hết là quan điểm: “Khởi nghiệp không đơn thuần giới hạn ở việc lập một doanh nghiệp, một công ty hay mở một dịch vụ mà nó còn mở rộng thành khởi nghiệp chính là sự khởi đầu cho một sự nghiệp của bản thân, tạo giá trị tích cực không chỉ cho cá nhân mà còn cho gia đình và xã hội”. Anh Trung cũng nhấn mạnh rằng cơ hội khởi nghiệp chưa bao giờ nhiều thuận lợi như trong bối cảnh của kỷ nguyên 4.0 hiện nay với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo. Điều các bạn trẻ cần nhất theo anh chính là khởi nghiệp cần phải có đam mê: “Tôi luôn cổ vũ tinh thần lập nghiệp của các bạn trẻ, đừng sợ hãi bất cứ điều gì mà hãy tận dụng lợi thế của bối cảnh, qua đó lập kế hoạch thực thi và từng bước xây những viên gạch trên con đường khởi nghiệp của chính các bạn”
Các bạn Sinh viên háo hức và phấn khởi đón nhận cuốn sách quý đổi đời từ Trung Nguyên cùng những cảm hứng từ các diễn giả
Trong tháng 01/2018 này, các sự kiện thuộc Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt sẽ tiếp tục được diễn ra định kỳ vào các Thứ 7 hàng tuần tại các Không gian Trung Nguyên Legend và Cà Phê Thứ Bảy. Song song đó, Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt nước sẽ tiếp tục được diễn ra tại Trường Đại học Công Nghiệp Tp. HCM vào ngày 05/01/2018.
Chương trình giao lưu “Khởi nghiệp bền vững” là hoạt động nằm trong Chuỗi sự kiện của Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên ViệtĐây là Hành trình được triển khai từ năm 2012, và đến nay đã trao tặng hơn 2 triệu cuốn sách đổi đời đến các tầng lớp thanh niên trên khắp cả nước và hỗ trợ nhiều chương trình khởi nghiệp cũng như kết nối nhiều nhân vật truyền cảm hứng, với mong muốn lớn nhất là chia sẻ Hệ thức thành công: Khát vọng lớn – Xác định năng lực lõi – Lập kế hoạch thực thi – Kết nối nguồn lực – Dám thách thức thất bại, được đúc kết trong Tủ sách nền tảng đổi đời để giúp các bạn trẻ có thể rút ngắn con đường đến với thành công và có thể “Lập Chí Vĩ Đại” từ đó góp phần “Khởi nghiệp Kiến Quốc”.
Trong thời gian sắp tới, Trung Nguyên cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan uy tín để tổ chức Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho Thanh niên Việt tại các trường Đại học, Cao đẳng và hệ thống không gian Trung Nguyên khu vực TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với Hành trình này, Trung Nguyên dự kiến trao tặng khoảng 2.800.000 cuốn sách cho các bạn sinh viên, học sinh, cán bộ, chiến sĩ trong cả nước.