Khởi nghiệp trước hết cần một ý tưởng độc đáo, phù hợp với thời đại

Ngày đăng: 26/03/18

Khởi nghiệp ở thời điểm hiện tại không còn là việc quá xa lạ ở Việt Nam, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng nắm được cốt lõi giá trị của khái niệm khởi nghiệp cũng như đủ khả năng để chinh phục những thách thức mà khởi nghiệp đặt ra cho nhà lãnh đạo. Ý tưởng khởi nghiệp tốt phải mang lại giá trị thiết thực cho cộng đồng và có khả năng hiện thực hóa.

Một “Quốc gia khởi nghiệp” cần những “con người khởi nghiệp”. Một người muốn khỏi nghiệp cần có một ý tưởng khởi nghiệp tuy nhiên việc xây dựng ý tưởng độc đáo, phù hợp với thời đại là chuyện không dễ. Và việc hiện thực hóa giá trị của ý tưởng lại là cả một câu chuyện của những người dấn thân vào con đường start-up.

Để giúp các bạn trẻ hiểu thêm về con đường start-up, sáng ngày 18/06/2016, Chương trình Giao lưu, truyền cảm hứng khởi nghiệp do Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức đã diễn ra tại Cà phê Thứ bảy số 264A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P 8, Q 3. Chương trình của một tập đoàn khởi nghiệp khá nổi tiếng và thành công như Trung Nguyên đã thể hiện phần nào tinh thần khởi nghiệp của giới trẻ Việt Nam hiện nay.

Các khách mời tham gia chương trình giao lưu đều là những người “đi đầu”, sáng tạo và dám thất bại trên con đường đi tìm chỗ đứng cho doanh nghiệp start-up của mình. Trong số đó, chúng ta có thể kể đến dự án PinBike App của tiến sĩ Lê Mai Tùng; dự án AMI-ngôi nhà thông minh dành cho người Việt của anh Lê Hoàng Nhật; tổ chức phi lợi nhuận ICE của cô gái trẻ tuổi Võ Tường An hay “Tủ sách gia đình” của anh chàng luật sư Đặng Thành Trí và các chương trình thiện nguyện đầy ý nghĩa của chị Nguyễn Như Bão.

BK5A3569

Sáng ngày 18/06/2016, Chương trình Giao lưu, truyền cảm hứng khởi nghiệp do Tập đoàn Trung Nguyên tổ chức đã diễn ra tại Cà phê Thứ bảy số 264A Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P 8, Q 3.

Mỗi tựa sách trong bộ “Những cuốn sách đổi đời” của Trung Nguyên được cụ thể hóa qua những câu chuyện của các diễn giả. Và để truyền cảm hứng đến cho tất cả các bạn trẻ, các vị diễn giả tham gia chương trình giao lưu đã nhiệt tình chia sẻ với mọi người về câu chuyện khởi nghiệp của chính bản thân họ.

“Năm 2006, khi mới tốt nghiệp Đại học Khoa học tự nhiên về ngành công nghệ thông tin, mình cảm thấy quá chán ngán cảnh kẹt xe ở Việt Nam khi ngày nào đi học cũng phải đối mặt với nó. Đó chính là lúc ý tưởng về PinBike App ra đời”, tiến sĩ Lê Mai Tùng cho biết.

Đây là ứng dụng “mạng xã hội” kết nối trực tiếp những người đang lưu thông trên đường có nhu cầu di chuyển một tuyến đường hoặc địa điểm giống nhau. Nói về ứng dụng này, chức năng của nó có thể được thể hiện như một cách “chia sẻ xe, chia sẻ phí”. Ứng dụng của anh được kì vọng có thể giảm ít nhất 1/3 lượng xe lưu thông trên đường, từ đó giải quyết được vấn đề kẹt xe. Đó chính là giá trị mà ý tưởng về PinBike App hướng tới và mong muốn đem lại cho cộng đồng.

Các khách mời tham gia chương trình giao lưu đều là những người “đi đầu”, sáng tạo và dám thất bại trên con đường đi tìm chỗ đứng cho doanh nghiệp start-up của mình.

Các khách mời tham gia chương trình giao lưu đều là những người “đi đầu”, sáng tạo và dám thất bại trên con đường đi tìm chỗ đứng cho doanh nghiệp start-up của mình.

Dự án “AMI – nền tảng tiếp theo cho ngôi ở thông minh” cũng là một ý tưởng khởi nghiệp khác xuất phát từ chính suy nghĩ về lợi ích cộng đồng. “Với sản phẩm ngôi nhà thông minh AMI này, tôi muốn xây dựng một nền tảng thông minh cho tất cả mọi người”, anh Lê Hoàng Nhật cho biết. AMI khiến không gian sống của bạn trở nên tốt đẹp hơn với việc cung cấp cho bạn sức mạnh quản lý ngôi nhà, giảm thiểu nỗi lo lắng về an toàn an ninh cũng như tiết kiệm những chi phí không cần thiết cho bạn. Khác với PinBike, dự án AMI của nhóm anh Nhật vẫn chưa được hoàn thành và đưa ra bất kì sản phẩm nào, nhưng rõ ràng thì tương lai của dự án này hoàn toàn đáng để chúng ta trông chờ.

Chương trình Giao lưu cũng mang một mảng màu tuyệt vời khác, những dự án về thiện nguyện của những người có duyên với hai chữ “tình nguyện” hay nói cụ thể hơn gắn bản thân họ với một cam kết cộng đồng về “một nền tảng giáo dục tốt hơn cho lớp trẻ”. Mỗi một học bổng trị giá 500.000đ được chị Nguyễn Như Bão, thuộc nhóm tình nguyện “Những ước mơ xanh”, trao cho những bạn khuyết tật chính là động lực lớn tiếp lửa cho sự học của họ, truyền cho họ ngọn lửa tình nguyện, ngọn lửa khao khát được trao đi sức mình cho những hoàn cảnh khác tương tự. “Xăng có thể cạn, lốp có thể mòn nhưng máu tình nguyện không bao giờ tắt”, chị Như Bão chia sẻ.

Rất nhiều bạn trẻ tham gia chương trình giao lưu

Rất nhiều bạn trẻ tham gia chương trình giao lưu

Xuất phát từ sở thích đam mê sách cũng như mong muốn thay đổi thói quen đọc của cộng đồng, ngay sau dự án “Tủ sách yêu thương” khá thành công của mình, anh chàng luật sư Đặng Thành Trí đang nhen nhóm hình thành và phát triển dự án mang tên“Tủ sách gia đình”. Dự án này được anh xây dựng dựa trên mô hình “đưa sách về từng nhà” nhằm khuyến khích việc đọc sách tại nhà, từ đó tiến tới hình thành môi trường  giáo dục tốt cho thế hệ trẻ.

Cuối cùng phải kể đến là cô trẻ 18 tuổi, Võ Tường An và tổ chức phi lợi nhuận do cô đồng sáng lập International Catalysts for Empowerment (ICE). Tại Việt Nam, một chương trình nhằm hoàn thiện kĩ năng cá nhân, làm việc nhóm được xây dựng cũng như khuyến khích việc đọc sách ở học sinh, từng bước góp phần “rút ngắn và xóa bỏ khoảng cách giữa các nền giáo dục, hướng đến thế giới có cuộc sống chung cao hơn ở hiện tại”, Tường An chia sẻ về mục tiêu của đự án.

Chương trình kỉ niệm Trung Nguyên “20 năm Phụng sự vì một nước Việt vĩ đại” đã khép lại cùng với những cuốn sách trong bộ “Những cuốn sách đổi đời” được trao tay các bạn trẻ. Như anh Vũ Việt Dũng, trưởng nhóm Phát triển Cộng đồng tại tập đoàn Trung Nguyên chia sẻ “Chương trình trao tặng 12.000 tủ sách nền tảng đổi đời của Trung Nguyên vẫn đang tiếp tục hành trình của mình, trao đi “hệ thức thành công” nhằm khơi dậy sáng tạo, khát vọng khởi nghiệp của người trẻ”.