Ngày đăng: 13/07/18
Tôi có nghe, rồi đọc những ý kiến chê trách, mỉa mai con số 5 tỷ USD mà Trung Nguyên nói sẽ đầu tư cho tủ sách tặng người dân Việt. Có nhiều ý là hữu lý, và cũng tiếc là Trung Nguyên không nói rõ cách họ làm. Đó là sự gom tụ đóng góp của nhiều doanh nghiệp, và cá nhân khác nữa, vào chung dự án này, nhất là các doanh nghiệp trẻ.
Bỗng sáng nay tôi đọc được ý kiến của GSTS Nguyễn Tiến Zũng (ĐH Toulouse) và thấy phải cám ơn GS Zũng đã “vô tình” góp ý giải thích sự hình thành con số 5 tỷ mà TN đưa ra.
Anh Zũng đùa là sẽ đầu tư 10 tỷ USD cho tủ sách anh (hình dung có thể) đầu tư như sau: "Tôi cũng có sẵn nhiều sách hay ho thực sự ...và có thể làm thêm nhiều sách hay ho thực sự nữa, có tác dụng cứu vớt nền văn hóa giáo dục, hữu ích cho mọi người mọi nhà”. Và để có số tiền đầu tư giả định 10 tỉ USD, GS Zũng viết: “Quá đơn giản. Bộ sách của tôi dưới dạng ebook có gía trị không dưới 110 USD. Tôi tặng cho toàn bộ 90 triệu dân Việt Nam mỗi người một bộ, thế là thành 10 tỷ USD. Các bác thấy dự án này có ý nghĩa không? Có muốn góp phần tham dự không?”
Như vậy là có thêm một sáng kiến tặng sách cho người dân Việt Nam. Sau “Sách hóa nông thôn” của bạn Nguyễn Quang Thạch đã có nhiều dự án tặng sách, quá hay (thay vì mở thêm hàng loạt hãng bia ở các tỉnh và vô số quán nhậu trên cả nước ?)
Về hành trình xuyên Việt tặng sách của cà phê Trung Nguyên. Tôi có được đọc qua danh mục sách mà các chuyên gia đã thẩm định và tư vấn cho Trung Nguyên đưa vào danh sách để in tặng người dân và thanh niên Việt, trong số một loạt sách quí thế giới, cả kinh điển và đương đại, được Trung Nguyên mua bản quyền nhiều năm qua. Nhiều sách nên đọc và đáng đọc.
...Và đây là điều tôi định viết mấy hôm trước mà mãi bay ra bay vào HN-SG chưa viết được. Cách đây 3 hôm, giữa trưa Hà Nội nắng đổ lửa, tôi nhận được mấy dòng tin nhắn của một bạn trẻ tình nguyện viên, tham gia đoàn xe đi tặng sách xuyên Việt của Trung Nguyên. “Vừa đến đài tưởng niệm chiến sĩ Gac Ma cô ơi, xót xa, tự hào muốn chảy nước mắt. Lần đầu tiên đến nơi các anh yên nghỉ. Từ đảo lạnh các anh đã về đây, về nhà, nhìn ảnh, thương quá...”.
Bà con và các bạn trẻ chung quanh khu tưởng niệm (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) đến nhận sách và trò chuyện với đoàn... Hôm đó còn đúng 10 ngày là dịp kỷ niệm một năm khánh thành khu tưởng niệm này (15/7/2017).
Tôi tìm lại trong tư liệu trích từ các tờ báo về buổi lễ khánh thành nhiều suy ưởng và ray rứt năm ngoái (Nhân đây, cũng báo một tin vui, sau nhiều năm trầy trật, cuốn sách:”Gạc Ma, vòng tròn bất tử” cũng vừa được phát hành).
Rồi sáng nay tôi đọc được trên face của một tình nguyện viên khác. “Chiều nay đoàn đến vĩ tuyến 17, nghe mãi, giờ mới được đến đây”. Họ đã trải qua một chặng đường dài, gặp bao trắc trở vì thời tiết, đường xá,... nhưng theo họ kể trước khi đi, cố gắng luôn giữ xe & quần áo sạch sẽ, tươm tất; khuôn mặt tươi vui và đôi tay ân cần để trao những cuốn sách quý tới người dân trong hành trình...(đi làm thiện nguyện thì đâu cứ phải bộ dáng nghèo khổ, mặt mày ủ dột nhỉ?). Cuộc trao tặng sách quý của Trung Nguyên đến nay đã là năm thứ 6, sách không chỉ lặng lẽ trao mà đã có hàng ngàn cuộc trò chuyện, trao đổi và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về quản trị, khởi nghiệp kinh doanh...của các chuyên gia nhiều lĩnh vực của xã hội. Lần này, hơn 100 người, gồm nhân viên TN và (nhiều hơn là) các bạn bè, tình nguyện viên trong Hành trình với 40 chiếc xe, xuyên Việt, đang đến những nơi lưu dấu nhiều kỷ niệm lịch sử. Các bạn trẻ tình nguyện đã đến, và chắc chắn họ sẽ hiểu hơn về đất nước, về người dân bình thường các vùng nghèo khó xa xôi và họ sẽ nhớ những trãi nghiệm đó rất lâu trong đời mình...
Ảnh: Khu tưởng niệm liệt sĩ Gac Ma ngay khánh thành. Ảnh của vnexpress ghi vào ngày khánh thành khu tưởng niệm: bà Hà thị Liên, quê Hà Tỉnh, 87 tuổi bên di ảnh con là liệt sĩ Đào Kim Cương, đứa con mà suốt gần 10 năm, bà vẫn đêm đêm mơ thấy. Đoàn xe chở sách trên hành trình xuyên Việt. Sách qua vùng đất đỏ miền Trung.
Nhà báo Vũ Kim Hạnh
16/12/24
0