Sự thay đổi cán cân giữa các nền văn minh

Ngày đăng: 17/08/21

"Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" mang đến một cái nhìn tổng quát về thế giới đương đại với những vấn đề, thách thức mà mỗi quốc gia, mỗi dân tộc và mỗi cá nhân đều có trách nhiệm.

Sự bất hòa về văn hóa là nguồn gốc của các xung đột thế giới
Samuel P. Hungtington (1927-2008) là một nhà nghiên cứu chính trị xuất chúng của Hoa Kỳ, nổi tiếng khắp thế giới qua tác phẩm "Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" xuất bản năm 1996. Thông qua quyển sách, tác giả đưa người đọc mường tượng cụ thể bức tranh chung về các nền văn minh trên thế giới, khẳng định các xung đột sau giai đoạn Chiến tranh Lạnh sẽ xuất hiện thường xuyên và đầy bạo lực vì những khác biệt về văn hóa chứ không phải ý thức hệ.
Những cuộc chiến giữa những nền văn minh lớn trên thế giới sẽ xảy ra, có thể là bảy hoặc tám cuộc xung đột giữa phương Tây, Hồi giáo, Khổng giáo, Ấn giáo, Chính thống giáo… Để đi sâu vào nghiên cứu các xung đột nghiêm trọng xảy ra trong hiện tại và tương lai, cần tập trung vào những bất hòa về văn hóa chứ không phải các thể chế.

Dù được viết từ cách đây hơn 20 năm nhưng bản thân cuốn sách đã chứng tỏ sự đáng giá của nó về cả học thuật và giá trị thực tiễn. Những điều Samuel P. Hungtington phân tích, dự báo hơn 20 năm trước thực sự ứng nghiệm với tình hình chính trị thế giới hiện tại. Sự kết thúc chiến tranh lạnh không phải là sự kết thúc của lịch sử. Sự mở rộng thương mại thông qua toàn cầu hóa không chắc đem lại hòa bình, ngược lại dẫn đến nhiều nguy cơ xung đột. Sự phục sinh của Hồi giáo và phát triển kinh tế ở châu Á (đặc biệt là Trung Quốc) là những nguy cơ chính gây xung đột.
Bên cạnh đó, "Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" còn làm sáng tỏ những phức tạp trong tiến trình chính trị, mang lại một bệ phóng trí tuệ cho các chính sách, dẹp bỏ sự đầu hàng thụ động thiếu suy xét trước thuyết định mệnh lịch sử quá đỗi giản đơn, nhấn mạnh xung đột văn minh là sự cấp bách đạo đức không thể tránh khỏi được của thời đại.
Trật tự quốc tế dựa trên nền văn minh là yếu tố quyết định ngăn ngừa xung đột
Trong một thế giới đang được thức tỉnh về chính trị, con người cần nhận thức trước những nhiệm vụ mà một số nền văn minh đòi hỏi, từ đó xây dựng liên minh dựa trên sự hiểu biết, tôn trọng và kiềm chế lẫn nhau để điều tiết các mối quan hệ giữa các quốc gia. Trong cuốn sách này, Samuel P. Hungtington cho rằng tương lai của cả hòa bình và văn minh đều phụ thuộc vào sự hiểu biết và hợp tác giữa các nhà lãnh đạo chính trị, tinh thần, tri thức của các nền văn minh lớn trên thế giới.

Trong sự va chạm giữa các nền văn minh, châu Âu và Mỹ sẽ gắn kết với nhau hoặc đứng tách biệt. Trong sự va chạm lớn hơn – "va chạm thực sự" toàn cầu, giữa văn minh và man rợ, các nền văn minh vĩ đại của thế giới với những thành tựu phong phú về tôn giáo, nghệ thuật, văn học, triết học, khoa học, công nghệ, đạo đức và nhiệt huyết cũng sẽ gắn kết hoặc đứng tách biệt. Trong kỷ nguyên đang tới, những va chạm giữa các nền văn minh là mối đe dọa lớn nhất cho nền hòa bình thế giới và một trật tự quốc tế dựa trên các nền văn minh là một đảm bảo chắc chắn nhất để chống lại chiến tranh thế giới. Mỗi một cá nhân đều có vai trò quan trọng trong việc thấu hiểu sự khác biệt và ngăn chặn xung đột giữa các nền văn minh.

"Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" là cuốn sách lý tưởng để mỗi người có cái nhìn thấu đáo về vai trò của bản thân với vận mệnh của quốc gia, dân tộc. Nhà sáng lập - Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ đã cẩn trọng, tuyển chọn cuốn sách "Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" thuộc lĩnh vực Chính trị học trong Tủ sách Nền Tảng Đổi Đời. Độc giả có thể tìm đọc và chọn mua "Sự va chạm giữa các nền văn minh và sự tái lập trật tự thế giới" tại các không gian Trung Nguyên Legend, Trung Nguyên E-Coffee trên toàn quốc hoặc chọn sách online bản in và ebook tại App Trung Nguyên Legend Café.

TRI THỨC LÀ ÁNH SÁNG!
TRI THỨC LÀ SỨC MẠNH CỦA DÂN TỘC!
(Đón đọc kỳ sau: Điều gì làm cho văn minh phương Tây vượt trội?)