Tiến sĩ Trần Lương Sơn: Xã hội luôn cần những "công dân cống hiến"

Ngày đăng: 14/05/18

TS Trần Lương Sơn, nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc công ty phần mềm VietSoftware, đồng thời là nhà sáng lập và Chủ tịch công ty công nghệ môi trường NVN Technologies, một diễn giả thường xuyên của các chương trình khuyến khích khởi nghiệp khắp Việt Nam, là một trong những nhân vật của “Họ đã phụng sự như thế” kỳ này.

Tự nhận là người “ít nổi tiếng” và rất ngại lên truyền thông, TS Sơn cho biết, để truyền tải những thông điệp mình muốn như một sự đóng góp cho xã hội, anh có thể vượt qua sự ngại ngần này.

Không chờ phát đạt rồi mới cống hiến

TS Trần Lương Sơn sinh năm 1960, từng thi vào Đại học Bách khoa Hà Nội và được chọn đi đào tạo tại Liên Xô theo chuyên ngành Hóa – Lý Luyện kim tại Đại học Thép và Hợp kim Mát-xcơ-va. Về sau, anh theo học Thạc sỹ Quản trị Công nghệ tại Đại học Tổng hợp Công nghệ Massachusetts (MIT) theo học bổng Fulbright của Chính phủ Mỹ.

Xuất thân là người nghiên cứu khoa học, Trần Lương Sơn trở thành doanh nhân trong ngành công nghệ thông tin với việc sáng lập và xây dựng công ty phần mềm VietSoftware trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu trong ngành.

Năm 2000, anh tốt nghiệp đại học Massachusetts và có nhiều lựa chọn nghề nghiệp. “Lúc đó tôi không phải là giàu có, nhưng kiếm sống không phải là vấn đề đối với tôi mà cống hiến quan trọng hơn” – TS Sơn nói. Anh quyết định về nước với tham vọng mở công ty tư vấn, giúp cho hàng nghìn doanh nghiệp phát triển, thay vì phát triển chỉ riêng doanh nghiệp của mình, như anh viết trong hồ sơ xin học bổng. Nhưng ước mơ này không trở thành hiện thực.

Anh nhận ra rằng, bản thân phải thành công thì mới thuyết phục được người khác. Vì thế, anh đã chọn khởi sự doanh nghiệp của mình trong ngành phần mềm với ý định sau khi tác thành, sẽ dành thời gian làm tư vấn quản lý. “Tôi muốn được làm việc với những người thông minh nhất, muốn tạo dựng nên doanh nghiệp và tác động kinh tế-xã hội là to lớn”. Đó là những lý do mà VietSoftware ra đời.

Vừa khởi nghiệp ở quê nhà, năm 2003, anh đã cùng bạn bè lên kế hoạch thành lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Hỗ trợ khởi nghiệp luôn là mối quan tâm của anh dù ở thời điểm nào của sự nghiệp. Bởi, thay vì nghĩ “phải chờ phát đạt để có đủ tiền mới làm những gì mình muốn”, anh quyết định không chờ đợi để cống hiến cho xã hội từ những việc nhỏ.

Thế rồi tới những năm gần đây, khi VietSoftware còn chưa thực sự là một cỗ máy kinh doanh như mong muốn, TS. Sơn đã lao vào công tác xã hội mà anh mong mỏi thực hiện từ lâu: Truyền bá và khuyến khích khởi nghiệp cho thế hệ trẻ khắp các vùng trên đất nước, từ thành thị đến vùng nông thôn khó khăn, hẻo lánh. Anh cũng đồng khởi sự và cố vấn thiện nguyện cho nhiều công ty khởi nghiệp.

“Cống hiến” nên là mục tiêu của giáo dục

Trong cuộc trò chuyện với Thể thao & Văn hóa, TS Trần Lương Sơn không muốn chỉ nói về ngành mà anh được biết đến nhiều hơn cả là CNTT và phần mềm. Anh muốn được nói về giáo dục, lĩnh vực mà anh tự nhận mình là một người “nghiệp dư”, với đề xuất về việc nghiên cứu, phổ biến và thực hành “Triết lý giáo dục cống hiến”.

Mới đây, anh vừa công bố ý tưởng về triết lý giáo dục này trong một buổi thuyết trình tại Cà phê thứ Bảy ở Hà Nội do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì. Anh kể rằng anh rất hạnh phúc khi thấy các vị lão thành trong ngành giáo dục như GS Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh triết Việt Nam, PGS, TS Đặng Quốc Bảo, Nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý Giáo dục, GSTS Tô Duy Hợp, Giám đốc Trung tâm Khoa học Tư duy đã bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ ý tưởng về triết lý giáo dục này.


TS Trần Lương Sơn tại chương trình Giới thiệu những cuốn sách đổi đời tại Hà Nội

Định nghĩa của TS Trần Lương Sơn về “con người cống hiến” đơn giản là “người có ý thức tạo ra, và là người tạo ra của cải vật chất và tinh thần nhiều hơn mức tiêu thụ của mình”.

Anh cũng đề xuất việc phân định con người trong xã hội thành các lớp người như người cống hiến, người lớp nền, người gánh nặng của xã hội, người phá hoại, và người thiệt thòi (khuyết tật…) và cho rằng bất kỳ ai ở tầng lớp nào trong xã hội cũng có thể trở thành người của lớp “cống hiến”, nếu họ nhận được sự giáo dục phù hợp, giáo dục theo hướng “cống hiến”. Đồng thời, cạm bẫy để một người trở thành gánh nặng, là người phá hoại xã hội, cũng luôn rình rập.

Nhiều người sẽ nghĩ rằng “đào tạo con người cống hiến cho xã hội” là mục tiêu giáo dục mơ hồ, viển vông và khó đánh giá hiệu quả, TS Sơn biết điều đó. Anh hiểu rằng, cần vạch ra chương trình giáo dục phục vụ mục tiêu đó chứ không đơn giản là trình bày ý tưởng là có thể thuyết phục được xã hội. Từ nay đến đó vẫn là một quãng đường dài, với vô số những tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá. Nhiều ý tưởng về triết lý giáo dục cống hiến còn đang chứa chất trong đầu anh, và vẫn chờ để được biến thành hiện thực.

Ai là công dân cống hiến?

TS Trần Lương Sơn cho rằng, bất kỳ ai cũng có thể trở thành công dân cống hiến. Người ở vị trí xã hội càng cao thì càng có cơ hội là công dân cống hiến tốt. Thế nhưng kể cả ở những vị trí cao nhất trong xã hội, con người cũng có thể thuộc vào lớp “phá hoại”, đó là những quan chức tham nhũng; hay những người thiệt thòi có thể là công dân cống hiến, đó là những người tàn tật nhưng khởi nghiệp và tạo ra nhiều việc làm.

Khi được hỏi về một điển hình “công dân cống hiến”, TS Trần Lương Sơn cho rằng, con người ở bất kỳ vị trí xã hội nào cũng có thể là một công dân cống hiến, thậm chí là một người lao công. Thế nhưng, những người thành đạt, nổi tiếng là những người có ưu thế đặc biệt để là tấm gương về cống hiến. Anh nêu ra cái tên của Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, với chương trình tặng 1 triệu cuốn sách cho thanh niên và các chương trình khuyến khích khởi nghiệp liên quan.

“Tôi nghe rằng anh Đặng Lê Nguyên Vũ có biệt danh là “Vũ khùng”, với những việc làm khác thường, trong đó, việc tặng hàng triệu cuốn sách có lẽ cũng được nhiều người cho là… khùng. Nhưng để có cơ hội cống hiến như anh Vũ, bản thân tôi sẵn sàng đón nhận một biệt danh như thế” – anh cười.

Bộ 5 cuốn sách đổi đời của Trung Nguyên gồm Khuyến học, Quốc gia khởi nghiệp, Đắc nhân tâm, Không bao giờ là thất bại, Nghĩ giàu làm giàu anh đều đã đọc, trong đó tâm đắc nhất là Khuyến học. “Cuốn sách đó như thể người Nhật nói hộ suy nghĩ của người Việt hiện nay vậy” – anh nhận xét.

“Cách lựa chọn tủ sách cũng rất chuẩn, tôi không bỏ được cuốn nào và cũng thấy có lẽ không cần phải nhiều hơn. Đây là bộ sách tuyệt vời để truyền cho người đọc tinh thần cống hiến cho quốc gia, cho xã hội” – anh Sơn nhận xét về tủ sách đổi đời của Trung Nguyên.