Đế chế Ba Tư thứ nhất – Từ bộ lạc bé nhỏ đến Đế chế hùng mạnh

Dân số:
Thủ đô:
Diện tích:

1706 lượt xem

Đế chế thành công
@ 06/08/20 1706 lượt xem

Đế chế Ba Tư đã để lại di sản dài lâu cho sự phát triển sau này của các nền văn minh thế giới và là đế chế đầu tiên đặt nền móng cho các đế chế sau này trong lịch sử cổ đại.

Để chuẩn bị cho “Hành trình từ trái tim” tiếp tục diễn ra vào tháng 9 năm nay, Trung Nguyên Legend sẽ bắt đầu khởi đăng các loạt bài viết sau đây để chúng ta có thể thấu hiểu sâu sắc và toàn diện về sự hình thành nên một Đế chế mới, một hình mẫu Dân tộc vĩ đại, Quốc gia trung tâm - thì việc tổng kết quán xét những bài học trong lịch sử quá khứ của các nền văn minh, các đế chế... sẽ giải mã những công thức cốt lõi đã làm nên sự hưng thịnh và suy tàn của các đế chế cũ, các nền văn minh cũ…là sự cần thiết - để từ đó chúng ta hình thành nên những mật mã thành công của Đế chế mới. Sự hùng mạnh của một quốc gia, không phải phụ thuộc vào diện tích lớn nhỏ, không phải phụ thuộc vào dân số ít nhiều, không phải phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên nhiều hay ít,… mà sự hùng mạnh của một quốc gia phụ thuộc vào ba thành tố căn bản:  

“Hành trình Từ Trái Tim – Hành trình Lập Chí Vĩ Đại – Khởi Nghiệp Kiến Quốc cho 30 Triệu Thanh Niên Việt” do Tập đoàn Trung Nguyên Legend khởi xướng gần 10 năm qua, đến nay đã có sự đồng hành của Bộ Quốc phòng – Quân chủng Hải quân, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động thương binh và Xã hội… cùng nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các nhân vật ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực trong nước và quốc tế; cùng các cơ quan truyền thông Thanh Niên, Tiền Phong, Một Thế giới, Soha… “Hành trình từ trái tim” nhằm kiến tạo Khát Vọng Lớn, Chí Hướng Vĩ Đại cho thế hệ thanh niên Việt Nam; nhằm cung cấp nền tảng tri thức đúng đắn và hiểu biết toàn diện cho 30 triệu thanh niên Việt thông qua việc trao tặng hàng chục triệu cuốn sách quý của Tủ sách nền tảng đổi đời – Tủ sách hợp nhất tinh hoa của nhân loại do Chủ Tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend ĐẶNG LÊ NGUYÊN VŨ tâm huyết, cẩn trọng tuyển chọn từ hàng ngàn tấm gương danh vĩ nhân thành công nhất trong suốt diễn trình lịch sử hình thành, phát triển và tiến hoá của nền văn minh nhân loại. Để từ đó, các thế hệ thanh niên Việt cùng nhau nỗ lực học tập không ngừng nghỉ, cùng nhau nỗ lực luyện rèn, chuyển hóa từ sức mạnh tri thức, sức mạnh tinh thần thành sức mnh thể chất, sức mạnh vật chất để tạo nên một một dân tộc vĩ đại và trường tồn. Cùng nhau dựng xây một nước Việt hùng cường, một đế chế Việt mới - là Đế Chế Tâm với sức mạnh, quyền lực và ảnh hưởng từ hạt nhân của hệ giá trị cốt lõi Sự Minh triết - Tình yêu thương Trách nhiệm; cùng nhau kiến tạo nên một Đế chế Tâm chưa từng có trong việc xóa bỏ tam độc: bệnh tật, đói nghèo và đau khổ cho nhân loại - điều mà mọi thiết chế từ trước đến nay đều bất lực, mang lại thành công bền vững, hạnh phúc đích thực cho mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi quốc gia và mỗi dân tộc; một Đế Chế Việt mới sức ảnh hưởng toàn diện với phần còn lại của nhân loại, đặc biệt trong bối cảnh toàn bộ nền văn minh chung của thế giới đang phải đối diện với những khủng hoảng đan xen, phức tạp và vô cùng nguy hiểm như hiện nay. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển của gần 5.000 năm qua, là quá trình vô cùng gian nan cũng vô cùng hào hùng của tổ quốc Việt của mình, chúng ta chỉ luôn ở tâm thế, tâm thức dựng nước và giữ nước; chưa từng vươn lên được đến vị thế của một đế chế, một cường quốc - mà chỉ có thể giữ vững được bản sắc, sự độc lập và tự chủ trước những đế chế, cường quốc hàng đầu trong từng thời kỳ - nên đây là thời kỳ thứ ba, thời kỳ của Đế chế Việt mới – biểu đạt tinh thần Việt, ý chí Việt. Đó vừa là niềm tự hào lớn, sự tự tin lớn, nhưng đó cũng là một nỗi niềm sâu thẳm, một trách nhiệm lớn lao xứng đáng của những người con mang dòng máu Lạc Hồng. Từ khi hội nhập với nền kinh tế toàn cầu hoá đến nay, Việt Nam chúng ta đã có những thành tựu về nhiều mặt, đạt được sự tăng trưởng và phát triển chưa từng có nhưng cũng vẫn chịu các áp lực tiêu cực cả trong lẫn ngoài, vẫn luôn phải chung sống và đối phó với nhiều nguy cơ và thách thức vô cùng nguy biến và phức tạp; vậy nên chúng ta rất cần tình thương của nhau, động viên nhau, là ch dựa đáng tin cậy cho nhau; cùng nhau vượt qua mọi sự khác biệt, mọi sự bất đồng, hận thù trong quá khứ - nếu có; vượt qua những điều riêng tư, lẽ bình thường để cùng nhau nung rèn chí lớn, cùng nhau truy cầu và chia sẻ ánh sáng tri thức cho nhau và cho toàn nhân loại; vượt qua mọi khác biệt, xung đột, vượt qua mọi nguy cơ, thảm họa dù là thiên tai hay nhân tạo để cùng kiến tạo một nền văn minh tiến bộ mới, bền vững hơn, thịnh vượng hơn, nhân văn hơn, hạnh phúc hơn cho mình và cho toàn thế giới.

Nước Việt mình nhất định phải trở thành Đế chế toàn cầu.

Hãy tin vào thiên mệnh của dân tộc mình.

 

Lịch sử thế giới đã thực chứng có những nghịch lý phi logic, từ những nền văn minh cổ đại như Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy-La, Maya…, các đế chế hùng mạnh nhất như Ba Tư, La Mã, Hồi Giáo, Ottoman, Nguyên Mông… đều có chung cùng một xuất phát điểm thấp kém, chỉ từ một nhóm nhỏ người di cư bị xua đuổi sống không nơi nương tựa, từ một bộ lạc nhỏ sống lang thang trong thảo nguyên, từ một thành bang bé nhỏ nghèo nàn bị thống trị - nhưng đã trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành những nền văn minh tiêu biểu, những đế chế hùng mạnh thống trị các vùng đất rộng lớn khắp thế giới, có nhiều phát kiến sáng tạo đóng góp trong diễn trình lịch sử của nhân loại.

Câu hỏi lớn được đặt ra là Điều gì đã kiến tạo nên sự hùng mạnh của các nền văn minh, đế chế, dân tộc và các quốc gia? Thực tế đã chứng minh sự hùng mạnh của một nền văn minh không phụ thuộc vào diện tích lớn hay nhỏ, sự ảnh hưởng của một đế chế không phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên giàu hay nghèo, sự lớn mạnh của dân tộc hay quốc gia không phụ thuộc vào dân số ít hay nhiều… mà ngược lại, chính sự bất lợi đó đã nung nấu ý chí khởi phát mạnh mẽ nhất của các nền văn minh, đế chế trong lịch sử. Bất kỳ một nền văn minh nào, đế chế nào, dân tộc nào, quốc gia nào, đều có thể biến nghịch cảnh thành cơ hội, biến nhỏ bé thành vĩ đại, biến phụ thuộc thành ảnh hưởng dựa vào 3 thành tố căn bản là: một là SỰ HIỂU BIẾT VÀ HAM HỌC HỎI; hai là SỰ ĐOÀN KẾT VÀ CHIẾN LƯỢC ĐÚNG ĐẮN; ba là SỨC MẠNH VÀ TẦM ẢNH HƯỞNG.Đế chế Ba Tư của triều đại Achaemenid được Cyrus Đại đế thành lập vào khoảng năm 550 trước Công nguyên. Đế chế này đã để lại di sản dài lâu cho sự phát triển sau này của các nền văn minh thế giới và là đế chế đầu tiên đặt nền móng cho các đế chế sau này trong lịch sử cổ đại.

Đế chế Ba Tư thứ nhất nói trên tồn tại vào một thời điểm độc nhất vô nhị trong lịch sử, khi phần lớn thế giới văn minh có người sinh sống đều tập trung ở Trung Đông hoặc gần Trung Đông. Kết quả là, Đế chế Ba Tư khi thống trị hầu hết Trung Đông thời điểm đó thì cũng đồng thời cai trị một tỷ lệ dân số thế giới lớn hơn bất cứ đế chế nào khác trong lịch sử cổ đại. Cụ thể, vào năm 480 trước Công nguyên, đế chế này có dân số xấp xỉ 49,4 triệu người, bằng 44% dân số toàn thế giới lúc đó.

 

Điều tạo nên sự thành công của đế chế này không chỉ bằng khát vọng chinh phục và sức mạnh của quân sự mà đế chế Ba Tư thứ nhất đã tạo dựng nên một nền văn minh tiến bộ bằng tinh thần học hỏi và hơn hết là sáng tạo không ngừng từ nhiều nền văn minh khác. Họ đã tiếp thu, hoàn chỉnh thành cái riêng của dân tộc mình và đã đặt ra các chuẩn mực cho các đế chế sau này.

Di sản của Đế chế Ba Tư thứ nhất để lại cho thế giới bao gồm việc sử dụng một mạng lưới đường bộ, hệ thống bưu chính, một ngôn ngữ hành chính thống nhất (tiếng Aramaic dùng trong toàn đế chế), chế độ tự trị dành cho các dân tộc thiểu số và một chế độ quan liêu. Tôn giáo Ba Tư – Bái Hỏa giáo – có ảnh hưởng đến sự phát triển của các khái niệm chính yếu như tự do ý chí, thiên đường và địa ngục trong các tôn giáo Abraham cho tới đạo Do Thái.

Năm 500 trước Công Nguyên, Darius Đại đế đã khởi động một mạng lưới đường sá rộng lớn cho Ba Tư, gồm cả con Đường Hoàng gia nổi tiếng và là một những tuyến đường cao tốc tốt nhất thời kỳ ấy. Con đường vẫn được sử dụng sau thời La Mã.

Đặc biệt, Ba Tư thứ nhất là một điểm quan trọng trên "Con đường tơ lụa huyền thoại" nối liền giữa Châu Á và Châu Âu. Con đường tơ lụa được coi là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, là cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây. Con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Hàn Quốc và Nhật Bản. Nó có chiều dài khoảng 7.000km. Nhờ có con đường tơ lụa, những vùng đất, nền văn hóa mới được tìm ra và là động lực cho sự phát triển của cả châu Á, châu Âu trên nhiều lĩnh vực.

Có những bằng chứng đáng tin cậy chỉ ra rằng hệ thống bưu chính đầu tiên trên thế giới bắt nguồn từ dưới triều đại vua Achaemenid, Cyrus Đại đế. Những tay đua ngựa và các toa ngựa kéo mang theo các bưu kiện bao gồm hầu hết các công văn của chính phủ, được luân chuyển từ nơi này sang nơi khác. Dịch vụ này sử dụng hệ thống sứ giả được gọi là Chapaar bằng tiếng Ba Tư. Các sứ giả cưỡi ngựa và mang theo thư. Các trạm chuyển tiếp ở gần nhau để một con ngựa có thể chạy mà không nghỉ ngơi hoặc cho ăn. Các trạm chuyển tiếp này là bưu điện hoặc là các ngôi nhà được gọi là Chapaar-Khaneh ở Ba Tư. Các sứ giả dừng lại ở đây để chuyển các gói thư của họ cho một sứ giả khác hoặc để họ đổi một chú ngựa khác cho hành trình tiếp theo của mình.

Trụ Cyrus (Cyrus Cylinder) được cho là hiến chương đầu tiên về nhân quyền trên thế giới, được viết bằng ngôn ngữ Akkad và được vua Cyrus Đại đế ban hành vào năm 539 TCN. Nội dung của trụ Cyrus là Hoàng đế luôn tôn trọng các vị Thần trong tín ngưỡng của Babylon, giải phóng người dân ngoại lai khỏi ách nô lệ, bình đẳng về tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa giữa các chủng tộc… Luật pháp trị vì muôn dân thể hiện tinh thần dân chủ nên Cyrus Đại Đế được coi là một vị vua nhân quyền, được nhân dân quý mến, kính trọng.

Mặc dù tôn giáo Ba Tư đa dạng và người dân được theo các đạo khác nhau, nhưng chủ yếu họ tôn sùng một đạo, giáo chung là Hoá giáo hay Bái hoả giáo. Hỏa giáo do nhà tiên tri Zoroaster sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN, là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại. Hỏa giáo bao gồm lòng tin của con người vào đấng cứu thế sẽ cứu giúp nhân loại, tự do ý chí của loài người.
 

Persepolis là kinh đô nghi lễ của Đế chế Ba Tư dưới thời Achaemenes được UNESCO công nhận trở thành di sản thế giới vào năm 1979.

Văn hóa Ba Tư cổ đại có các tập tục rất nghiêm ngặt, đặc biệt là giới quý tộc. Theo các nhà sử học, những cậu bé tầng lớp quý tộc chỉ được mẹ nuôi dưỡng đến khi đủ 5 tuổi sau đó sẽ trao lại cho cha chúng dạy dỗ. Nam giới được học các kỹ năng thiết yếu như: cưỡi ngựa, bắn cung, cách chiến đấu, đọc và viết. Các chàng trai ở độ tuổi 20 – 24 tuổi sẽ gia nhập quân đội và được nghỉ hưu cho đến khi 50 tuổi.

Đế chế Ba Tư không những được hình thành từ khát vọng chinh phục, tạo dựng nên một nền văn minh tiến bộ mà còn bởi chiến lược đúng đắn cũng như sự đoàn kết toàn dân tộc được dẫn dắt bởi người lãnh đạo kiệt xuất Cyrus Đại Đế hay Cyrus II - vị Hoàng đế khai quốc của Đế chế Ba Tư. Ông đã gắn kết các bộ lạc và cả dân tộc thành một thể thống nhất nhằm đánh bại mọi kẻ thù dựng xây nên Đế chế Ba Tư hùng mạnh trong lịch sử cổ đại.

Sau khi thôn tính được Media, Cyrus lên ngôi vua nước này và trở thành Cyrus Đại đế của Đế chế Ba Tư thứ nhất. Là một vị vua lỗi lạc, ông xây dựng một trong những lực lượng quân đội hùng mạnh nhất trong lịch sử cổ đại thế giới. Ông thực hiện chính sách kết hợp giữa ngoại giao với sức mạnh quân sự để mở rộng bờ cõi, xua đại quân không ngừng chinh phạt và liên tục giành chiến thắng trước những vương quốc giàu có và hùng mạnh như Lydia và Babylon.

Ông đặt được nền móng cho một đế chế Ba Tư rộng lớn, văn minh, hưng thịnh thành niềm tự hào lớn nhất của dân tộc ông. Ông xưng là "Vua của các vị vua" và cho phép một số nước chư hầu tiếp tục giữ vương chế và cai trị theo một phương thức phong kiến rất mềm mỏng. 

Công cuộc bành trướng do Cyrus Đại đế đề xướng đã đưa Ba Tư thứ nhất trở thành đế chế rộng lớn nhất trong thời kỳ cổ đại, chỉ sau Đế chế La Mã khổng lồ. Kế thừa và tiếp tục xây dựng một đế chế hùng mạnh như vậy, một vị Hoàng đế kiệt xuất khác của Vương triều Achaemenid là Darius I đã tiến hành những cải cách lớn lao, phát triển đất nước.

Ba Tư vốn hùng mạnh và rộng lớn nên chính quyền của Ba Tư đã thiết lập một hệ thống cai trị từ trung ương đến địa phương, vua sẽ là người đứng đầu, cai trị toàn bộ đế chế với các tỉnh khác nhau. Mỗi tỉnh sẽ được cai trị bởi một vị quan thống lĩnh gọi là Satrap, họ hoạt động dưới quyền nhà vua và được trao quyền tự trị nhất định. Hệ thống chính quyền này do vua Darius I (550-486 TCN) thiết lập để đảm bảo rằng một số khu vực sẽ không phát triển quá mạnh, đứng lên lật đổ hoàng đế.

Vua Cyrus Đại đế đã thiết lập nên hệ thống đánh thuế đầu tiên để duy trì hoạt động của bộ máy cai trị Đế chế Ba Tư. Người dân có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ để thể hiện sự tôn trọng của họ và Hoàng đế. Từ đó, nhà vua sẽ sử dụng sưu thuế thu được để xây dựng các công trình công cộng, đường xá phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt của muôn dân. Đánh thuế là một hình thức lạ vào thời điểm đó và chính sách này được thực hiện rất hiệu quả, giúp Cyrus Đại đế cai trị đất nước.

Cyrus cũng được công nhận rộng rãi về những thành tựu về các vấn đề nhân quyền, chính trị, chiến lược quân sự, cũng như ảnh hưởng của ông lên cả hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây. Trong thế giới cổ đại, danh tiếng của Cyrus và cả Vương triều Achaemenes vang xa, đến tận thành Athena, tại đây, nhiều người Athena xem những khía cạnh của Văn hóa Ba Tư triều Achaemenes là của văn hóa của chính họ.

Ngoài tài quân sự và sức mạnh của mình, có lẽ điều lớn nhất mà Cyrus Đại đế có được chính là tài thu phục nhân tâm. Điều mà ít có vị Hoàng đế nào có được khi sở hữu sức mạnh tối cao. Ông thu phục lòng người bởi những phẩm chất tốt đẹp của mình, sự lương thiện, trân trọng giá trị của con người giúp ông trở thành vị vua vĩ đại nhất của Ba Tư.

Với Trụ Cyrus và một loạt văn bản của người Do Thái, cộng thêm những bài viết của Xenophon, ông được ca tụng như một người giải phóng hơn là một ông hoàng chinh phạt. Nhà vua được đề cập đến 22 lần trong kinh Cựu Ước, nơi ông được tôn vinh vô điều kiện. Việc đề cập này bắt đầu sau khi ông giải phóng người Do Thái khỏi Babylon và cho hơn 40.000 người Do Thái trở về quê hương.

Theo sử gia Herodotos, người Ba Tư lúc đầu gồm 10 bộ lạc, họ sống tại vùng đất phía Bắc vịnh Ba Tư mà ngày nay được biết là quốc gia Iran. Trải qua nhiều thế kỷ, người Ba Tư bị các dân tộc khác đô hộ và cai trị như Assyria, đế quốc Babylon hay đế quốc Media và được thống nhất bởi vua Achaemenes vào khoảng năm 690 TCN và lập ra Vương triều Achaemenid, đều là chư hầu của đế quốc Media cho đến những năm đầu đời của vua Cyrus II.

Năm 550 TCN, người Ba Tư đã sẵn sàng đứng lên đòi tự do và để lại tiếng vang trong lịch sử. Là một thiên tài quân sự kiệt xuất, Hoàng đế Cyrus Đại đế đã thống nhất các bộ tộc và tập hợp lực lượng quân đội để mở rộng lãnh thổ, ông đã lật đổ "thiên tử" của Đế quốc Media và sáng lập ra Đế chế Ba Tư. Với những cuộc chinh phạt thắng lợi và chính sách khoan dung của mình, ông đã thiết lập một "đế quốc thế giới" bao gồm nhiều dân tộc có truyền thống khác nhau.

Năm 547 TCN, Cyrus II Đại đế chinh phạt được Đế quốc Lydia, ông tiêu diệt được đế quốc Tân Babylonia rồi đưa người Do thái trở về Jerusalem. Đế chế Ba Tư trở thành đế quốc huy hoàng nhất trong mọi quốc gia châu Á thời bấy giờ, do đó nhân dân tôn vinh Cyrus Đại Đế là vị "Quốc tổ" của họ.

Cyrus đã không ngừng mở rộng lãnh thổ đế quốc của mình. Dưới thời kỳ trị vì của Cyrus Đại đế (trị vì 559 TCN – 530 TCN), đế chế Ba Tư đã chinh phạt Media, Lydia, Babylon, Ai Cập và hình thành một đế chế rộng lớn nhất khu vực.

Đến thời kỳ của Hoàng đế Darius Đại Đế - một vị vua có tài tổ chức và quân sự luôn khao khát chinh phục đế chế Hy Lạp, năm 490 TCN ông đã đem binh xâm chiếm Hy Lạp và đành chịu thất bại trong trận chiến nổi tiếng Marathon. Vào năm 480 TCN, nối tiếp vua cha, người con trai Hoàng đế Xerxes I đã cố gắng hoàn thành sự nghiệp chinh phục Hy Lạp khi dẫn binh đối đầu với đội quân Sparta dũng mãnh. Ba Tư đã giành chiến thắng trong trận chiến Thermopylae nhưng gần một tháng sau đành rời Hy Lạp khi thua cuộc trong Trận Salamis.

Sau khi vua Xerxes I thất bại trong công cuộc chinh phạt Hy Lạp, Đế quốc Achaemenid rơi vào thời kỳ hỗn loạn và dần suy tàn. Thất bại chiến tranh khiến ngân khố quốc gia bị cạn kiệt, nhân dân phải sống trong cảnh lầm than vì phải chịu sưu cao thuế nặng.

Năm 334 TCN, Alexandros Đại đế lên đường chinh phạt châu Á theo con đường mở rộng đế chế của Hoàng đế Cyrus Đại đế. Ông thống lĩnh liên quân Hy Lạp tiến đánh và liên tục đánh thắng đế quốc Ba Tư. Năm 330 TCN, Alexander Đại đế từ Macedonia đã thành công đánh chiếm được các kinh đô của Ba Tư. Kể từ đó, Đế chế Ba Tư thứ nhất – Vương triều Achaemenid sụp đổ rồi bị thay thế bằng một vương triều khác.

Đế chế Ba Tư là đế chế đầu tiên trong lịch sử cổ đại kết nối nhiều khu vực trên thế giới, bao gồm Trung Đông, Bắc Phi, Trung Á, Ấn Độ, châu Âu và vùng Địa Trung Hải. Đế chế này đã khơi mào cho khái niệm đế chế đầu tiên ở những nơi như Hy Lạp và Ấn Độ.

Về sức mạnh quân sự của mình, người Ba Tư có phương pháp tổ chức khá khoa học và hiện đại. Trong quân đội cổ đại của Ba Tư có một lực lượng binh sĩ tinh nhuệ, được trang bị vũ khí và có sức chiến đấu kiên cường, mạnh mẽ. Họ được gọi là Amrtaka (những kẻ bất tử), những chiến binh xuất sắc nhất sẽ tham gia vào đội quân nòng cốt Astibara có nhiệm vụ bảo vệ nhà vua. Những binh lính ngã xuống trong đội quân bất tử sẽ được thay thế ngay bằng người mới để duy trì đủ lực lượng chiến đấu cho các cuộc chiến của đế chế Ba Tư.

Bên cạnh lực lượng trên bộ thì thủy binh là một công cụ đắc dụng để người Ba Tư bành trướng khắp thế giới. Hải quân xuất hiện trong quân đội đế chế kể từ khi người Ba Tư chinh phục các quốc gia có truyền thống hải chiến như các thành bang Hy Lạp miền Tiểu Á, dân Phoenici và người Ai Cập, tất cả nguồn lực cũng như chiến thuyền cho hải quân hầu hết đều đến từ những nơi này.

Ba Tư thứ nhất là đế chế đầu tiên có những sáng tạo giúp phát triển về Hải quân. Những chiếc thuyền chiến đầu tiên của Ba Tư được chế tạo đã có kích thước dài 40 mét, rộng 6 mét và có thể chở được 300 binh sỹ. Và không lâu sau đó thì người Ba Tư đã có 1 hạm đội hùng mạnh có mặt khắp từ vùng vịnh Ba Tư cho tới tận Địa Trung Hải. Chính nhờ các hạm đội này mà bước tiến của người Ba Tư có thể vươn xa hơn. Một trong nét độc đáo của chiến thuật hải quân Ba Tư mà sau này người La Mã cũng áp dụng đó chính là việc họ dùng thuyền để tạo thành cầu phao vượt sông, eo biển trong các đợt hành quân.

Sử gia cùng thời Xenophon từng chứng kiến người ta dùng 37 chiến thuyền để làm thành cầu phao vượt sông Tigris và theo Herodotus thì 1 số lượng tàu chiến lớn đã được huy động để làm thành 2 cây cầu phao vượt eo biển Hellespont với 360 tàu cho cây cầu phao ở phía đông bắc và 314 chiếc cho cầu phao ở phía tây nam trong cuộc viễn chinh Hy Lạp của Xerxes.

Dù cho bị sứt mẻ ít nhiều trong các cuộc chiến với Hy Lạp nhưng lực lượng hải quân này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển vận binh sỹ đi đàn áp các cuộc nổi dậy ở các vùng xa như Ai Cập vào năm 373 TCN. Với các lực lượng trên, đế chế Ba Tư Achaemenid đã trở thành đế chế quân sự hùng mạnh thời cổ đại và đặt nền móng đầu tiên về quân sự hải quân cho các đế chế sau này.

Đế chế Ba Tư thứ nhất tồn tại trong 2 thế kỷ của lịch sử cổ đại thì suy vong bởi cuộc chinh phạt thành công của Alexander Đại đế. Tuy nhiên nhiều Sử gia nhận định rằng, Ba Tư thứ nhất tàn lụi đến từ suy tàn bên trong của đế chế này. 

Đế chế Ba Tư thứ nhất sụp đổ cũng bởi không duy trì được những giá trị cốt lõi – khi khát vọng lớn nhưng xuất phát từ tham vọng mở rộng lãnh thổ, lãnh đạo có chí hướng nhưng chưa có tính kế thừa, đầu tư vào lực lượng quân sự khổng lồ; tuy có học hỏi, sáng tạo nhưng thiếu sự toàn diện và duy trì trong các thời kỳ sau; có chiến lược đúng đắn và tinh thần đoàn kết dân tộc song vẫn còn tồn tại lòng ích kỷ của các cá nhân, dần sai lầm trong chính sách ở những vùng lãnh thổ cai trị dẫn đến thường xuyên diễn ra các cuộc nội chiến và những cuộc đấu đá khác nhau từ quân nổi loạn. Những điều này đã khiến đế chế Ba Tư thứ nhất nhanh chóng lụi tàn. Dẫu vậy, Đế chế Ba Tư vẫn là một đế chế để lại di sản dài lâu cho sự phát triển sau này của thế giới.

  (Đón đọc kỳ sau: Đế chế La Mã – Từ thành bang nô lệ trở thành đế chế không có điểm kết thúc.)

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xem tất cả

Hàn Quốc – Bí mật tạo nên “kỳ tích sông Hàn”

Dân tộc Do Thái – Đức tin dân tộc được chọn

Dubai – Tầm nhìn thay đổi quốc gia

Ấn Độ - Từ "khu ổ chuột" trở thành "Quốc gia khởi nghiệp"