Hành động có ảnh hưởng mạnh hơn lời nói. Khi chúng ta cười, nét mặt chúng ta tràn ngập niềm hân hoan và tình thân mến. Một nụ cười niềm nở tự đáy lòng có thể thay cho lời nói: “Tôi thật sự quý mến anh!” hay “Tôi thật sự rất vui khi gặp bạn vì bạn làm tôi hạnh phúc”.
Charles Schwab chia sẻ với tôi rằng chính nụ cười của ông mới đáng giá hàng triệu đô-la. Và ông hoàn toàn chính xác. Chính tính cách của Charles, sự duyên dáng, lịch lãm, khả năng làm mọi người yêu mến mình đã đem lại thành công vượt bậc cho ông; và nụ cười quyến rũ của ông là yếu tố quan trọng nhất.
Có một câu danh ngôn dành cho những người đang yêu: “Hãy yêu người nào có thể làm bạn luôn mỉm cười vì chỉ có nụ cười mới có thể xua đi những góc khuất tăm tối trong tâm hồn”.
Trong tình yêu, nụ cười có ý nghĩa lớn như thế. Đối với tất cả các mối quan hệ khác, nụ cười cũng đem lại những kết quả kỳ diệu như vậy.
Một hôm tôi được giới thiệu với danh ca Maurice Chevalier. Thú thật là tôi rất thất vọng khi nhìn thấy ông trong bộ dạng ủ rũ, lầm lì như một kẻ chết rồi. Bỗng có ai nói điều gì đó làm ông mỉm cười. Toàn bộ gương mặt ông bừng sáng như có tia nắng mặt trời xuyên qua đám mây mù… Không có nụ cười đó, Maurice có lẽ giờ đây vẫn còn đang cặm cụi đóng bàn ghế ở một xưởng mộc nào đó của Paris.
Nụ cười của một đứa bé cũng có tác dụng như vậy. Một ngày mùa xuân trong phòng đợi của bác sĩ thú y Stephen K. Sproul ở Raytown, Missouri, hôm đó rất đông khách đang nóng lòng chờ bác sĩ khám cho những con thú cưng của mình. Chợt một thiếu phụ bước vào với một đứa bé độ chín, mười tháng tuổi trên tay và một chú mèo con. Cô ngồi cạnh một người đàn ông đang hết sức bực tức vì phải chờ đợi quá lâu. Cháu bé ngước mắt nhìn và tặng ông ấy một nụ cười ngây thơ rạng rỡ. Tất nhiên, người đàn ông cười lại với đứa bé và cuộc chuyện trò của ông với mẹ cậu bắt đầu. Sau đó, mọi người trong phòng cũng tham gia vào câu chuyện của họ và không khí bực bội, căng thẳng bỗng dưng tan biến mất.
Phải chăng tôi đang nói đến nụ cười nhăn nhở giả tạo? Không đâu! Sự giả tạo không đánh lừa được ai. Một nụ cười thực sự, một nụ cười làm ấm lòng người phải xuất phát từ tận đáy lòng. Nó phải thể hiện sự quan tâm, mong muốn tìm hiểu về người đối diện.
Giáo sư tâm lý học James V. McConnell, Đại học Michigan, nói: “Những ai biết mỉm cười đều có thiên hướng biết cách quản lý, bán hàng hiệu quả, tạo hạnh phúc và nuôi dạy con cái nên người. Một nụ cười chuyển tải nhiều thông điệp hơn hẳn một cái cau mày. Chính vì vậy, khích lệ là cách hiệu quả hơn hẳn trừng phạt”.
Giám đốc nhân sự của một cửa hàng bách hóa lớn ở New York khẳng định với tôi rằng bà sẵn sàng thuê một nhân viên bán hàng chưa học xong tiểu học nhưng có nụ cười tươi tắn hơn là một tiến sĩ tâm lý học có gương mặt ủ dột, cáu kỉnh.
Nụ cười có sức tác động vô cùng mạnh mẽ – ngay cả khi người ta không nhìn thấy nó. Các công ty điện thoại trên toàn nước Mỹ đều có chương trình huấn luyện mang tên “Sức mạnh của nụ cười”. Trong chương trình này, các điện thoại viên được yêu cầu phải luôn mỉm cười khi trả lời điện thoại vì người nghe có thể “nghe” được nụ cười của họ qua giọng nói. Bạn hãy thử nhấc máy lên gọi cho bạn bè hay người thân của mình, lần đầu bạn không mỉm cười khi nói, lần thứ hai bạn mỉm cười thật tươi, bạn sẽ thấy điều kỳ diệu trong thái độ mà bạn sẽ đem đến cho người nhận cuộc gọi. Trong nhiều trường hợp, điều này còn quyết định hiệu quả cả một ngày làm việc của họ và của chính chúng ta.
Robert Cryer, Giám đốc một công ty máy tính ở Cincinnati, Ohio, kể về sự thành công trong việc tuyển người: “Tôi gần như tuyệt vọng trong việc cố gắng tuyển một tiến sĩ khoa học máy tính cho công ty. Cuối cùng tôi tìm được một chàng trai với những phẩm chất lý tưởng vừa mới tốt nghiệp Đại học Purdue. Sau nhiều cuộc trao đổi qua điện thoại, tôi biết rằng anh đã được nhiều công ty khác chào mời, trong đó có nhiều công ty uy tín và nổi tiếng hơn công ty của tôi. Tôi rất hào hứng vì anh chấp nhận đề nghị. Sau khi anh bắt đầu công việc, tôi hỏi tại sao lại chọn chúng tôi, anh dừng lại một phút rồi nói: ‘Tôi cho rằng đó là vì các nhà quản lý trong các công ty khác tiếp điện thoại với giọng lạnh lùng, chỉ thuần túy quan tâm đến công việc, làm tôi cảm thấy như là một chuyện giao dịch kinh doanh đơn thuần. Riêng giọng của ông nghe như thể là ông vui vẻ lắng nghe tôi, như là ông thực sự muốn tôi tham gia vào tổ chức của ông. Và ông có thể yên trí rằng tôi vẫn đang trả lời điện thoại trong khi mỉm cười’”.
Vị chủ tịch hội đồng quản trị của một trong những công ty cao su lớn nhất nước Mỹ bảo tôi rằng, theo kinh nghiệm của ông thì người ta ít khi thành công trong công việc gì nếu không có cảm hứng và niềm vui trong công việc đó. Nhà lãnh đạo này không tin vào câu “Làm việc cật lực là chìa khóa tuyệt diệu để mở cánh cửa của thành công”. Ông nói: “Tôi biết nhiều người thành công vì tìm thấy niềm vui trong kinh doanh. Rồi họ thay đổi vì niềm vui ấy đã biến thành một công việc đơn điệu. Việc kinh doanh đi xuống và họ mất đi mọi hứng thú để rồi cuối cùng thất bại”.
Bạn cần có thái độ vui vẻ khi tiếp xúc với mọi người nếu bạn muốn họ cũng có ý nghĩ tương tự.
Tôi đã đề nghị hàng ngàn doanh nhân thử mỉm cười với mọi người họ gặp trong ngày, và suốt bảy ngày trong tuần, sau đó cho tôi biết kết quả.
Ta hãy đọc bức thư của William B. Steinhardt, một nhà môi giới chứng khoán ở Thị trường Chứng khoán New York. Trường hợp của ông không phải là đặc biệt mà là một điển hình của hàng ngàn trường hợp tương tự. Ông viết: “Tôi đã kết hôn trên mười tám năm và trong suốt ngần ấy năm tôi ít khi mỉm cười với vợ tôi hay nói được hai mươi từ với cô ấy tính từ sáng sớm cho đến khi chúng tôi đi ngủ vào buổi tối. Tôi đúng là một trong những gã cáu kỉnh nhất từ xưa tới nay. Khi ông yêu cầu tôi phải kể về trải nghiệm của tôi khi mỉm cười với người khác, tôi nghĩ mình cần phải làm thử trước đã. Sáng hôm sau, khi chải tóc, tôi nhìn cái vẻ mặt rầu rĩ của mình trong gương và bảo: ‘Bill, hôm nay cậu phải xóa cái vẻ cáu kỉnh trên bộ mặt u ám của cậu đi. Cậu phải mỉm cười và bắt đầu ngay từ lúc này’. Khi ngồi ăn sáng, tôi mỉm cười và chào vợ tôi: ‘Chào em yêu!’. Vợ tôi sửng sốt đến bàng hoàng cả người. Tôi bảo cô ấy rằng chưa hết đâu, việc này sẽ diễn ra thường xuyên, và tôi đã giữ được lời cam kết của mình.
Hai tháng nay, từ khi biết cười, tôi đã đem đến cho gia đình mình nhiều hạnh phúc hơn so với cả mười tám năm chung sống bên nhau trước đó.
Khi đến sở làm, gặp người gác cổng, tôi chào: ‘Anh có khỏe không?’ kèm theo một nụ cười. Khi đi ăn trưa, tôi đã mỉm cười với người phục vụ và không quên nói với họ một câu pha trò vui vẻ. Tôi thấy ngay rằng mọi người đều mỉm cười lại với tôi. Tôi đối xử với những khách hàng đến khiếu nại hay phàn nàn bằng thái độ niềm nở và nhận ra rằng mọi việc đều được giải quyết dễ dàng hơn. Tôi hiểu rằng những nụ cười hàng ngày đem đến cho tôi nhiều tiền, thật nhiều tiền và quan trọng hơn là chân giá trị của hạnh phúc. Tôi đang hợp tác kinh doanh với đối tác là một thanh niên dễ thương. Tôi đắc ý về những kết quả vừa đạt được đến nỗi tôi kể hết cho cậu ấy nghe về ý nghĩa triết học mình mới lĩnh hội trong quan hệ giữa người với người. Sau đó, cậu thú nhận rằng, lần đầu tiếp xúc với tôi, cậu nghĩ tôi là một con người gắt gỏng và khó tính. Mãi đến gần đây cậu mới thay đổi ý kiến. Cậu nói rằng tôi thật sự đáng mến và gần gũi khi mỉm cười. Tôi cũng đã bớt dần thói quen phê phán, chỉ trích. Giờ đây, tôi đã biết cảm kích và khen ngợi người khác. Tôi thôi nói về những gì tôi muốn và biết cách nhìn nhận vấn đề theo quan điểm của người khác. Và những việc này đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã là một con người khác hẳn, một người vui vẻ hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn trong quan hệ bạn bè và trong hạnh phúc gia đình”.
Bạn sẽ bảo rằng: “Làm sao tôi có thể cười được khi trong lòng không vui?”. Tôi xin chia sẻ hai bước giúp bạn tự tạo niềm vui cho mình. Trước hết, hãy bắt chính bạn mỉm cười. Nếu bạn ngồi một mình, bạn có thể huýt sáo hay hát khẽ một giai điệu nào đấy. Tự nhiên, lúc ấy, nỗi buồn sẽ vơi đi và bạn bắt đầu cảm thấy nhẹ nhàng. Khoa học đã chứng minh rằng
hành động và cảm xúc có sự tương tác lẫn nhau. Bằng cách bắt hành động phải chịu sự kiểm soát trực tiếp của ý chí, chúng ta có thể gián tiếp điều chỉnh cảm xúc dù cho cảm xúc là thứ vốn nằm ngoài tầm kiểm soát của ý chí.
Như vậy, để xua tan một nỗi buồn, cách tốt nhất là tự mỉm cười.
Không phải của cải vật chất bạn đang sở hữu, hay địa vị xã hội của bạn làm bạn hạnh phúc hay đau khổ. Hai người có thể có cùng một địa vị như nhau, cùng làm một công việc như nhau, cùng kiếm được tiền bạc và uy tín như nhau nhưng một người có thể cảm thấy đau khổ còn người kia cảm thấy hạnh phúc. Tại sao lại có điều kỳ lạ như thế? Đơn giản là do thái độ và tinh thần của hai con người ấy khác nhau. Tôi đã nhìn thấy nhiều gương mặt hạnh phúc nơi những người nông dân nghèo đang làm lụng vất vả với dụng cụ lao động thô sơ trong cái nắng oi bức của miền nhiệt đới. Và tôi cũng đã từng thấy những gương mặt thất vọng và khổ sở trong những văn phòng sang trọng, hiện đại, bên trong những tòa nhà chọc trời ở New York, Chicago hay Los Angeles.
Shakespeare nói rằng: “Không có sự vật, hiện tượng hay hoàn cảnh tốt hay xấu mà chính cách nghĩ của con người khiến nó xấu hay tốt”.
Abe Lincoln có lần đã nói: “Hầu hết con người đều hạnh phúc nếu họ có những suy nghĩ hạnh phúc”. Lần nọ, tôi đã bắt gặp một minh họa sinh động cho chân lý này khi bước lên cầu thang của nhà ga Long Island, New York. Ngay trước mặt tôi là hơn ba mươi cậu bé khuyết tật với gậy và nạng tập tễnh bước lên cầu thang. Có một cậu phải được hai người khiêng lên. Tôi sửng sốt thấy các em cười nói vui vẻ với nhau như không hề để ý đến tình trạng khuyết tật của mình. Quá đỗi ngạc nhiên, tôi bèn hỏi chuyện một trong những người trông nom các em. Ông ấy trả lời: “Khi một đứa trẻ hiểu rằng nó sẽ tàn tật suốt đời, lúc đầu nó hoảng hốt, đau khổ và thất vọng. Nhưng rồi sau đó, nó vượt qua tâm trạng đau khổ ấy và chấp nhận số phận của mình để vui sống như những đứa trẻ bình thường khác”.
Tôi thật lòng khâm phục những cậu bé đó. Các em đã dạy cho tôi một bài học mà tôi biết chắc mình sẽ không bao giờ quên.
Khi làm việc một mình suốt ngày trong căn phòng đóng kín của công ty, ít có dịp giao lưu với các đồng nghiệp, người ta thường cảm thấy cô đơn rồi dần dần hình thành thói quen cô độc. Chị Maria Gonzalez ở Guadalajara, Mexico, có một công việc như vậy. Mặc dù cũng muốn được thân thiện với các đồng nghiệp khác nhưng mỗi khi đi qua đại sảnh, nghe mọi người nói cười tíu tít, chị chỉ ngại ngùng nhìn về phía khác. Sau vài tuần, cảm nhận được sự cô độc của mình, chị đã tự nhủ: “Này, Maria, mày không thể hy vọng các đồng nghiệp đến với mày mà phải chủ động ra gặp họ chứ!”. Sau đó, khi bước đến góc giải khát của công ty, chị mỉm cười thật tươi với những người chị gặp và hỏi: “Hôm nay anh chị thế nào?”. Kết quả đến ngay lập tức. Những nụ cười và những lời chào đáp lại. Cả hành lang văn phòng dường như tươi vui hơn, mối quan hệ đồng nghiệp được cải thiện, công việc bỗng trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hẳn lên. Và chị cảm thấy cuộc sống thật thú vị.
Dưới đây là lời khuyên của triết gia Elbert Hubbard: “Mỗi khi bạn ra khỏi nhà, hãy ngẩng cao đầu lên, hít thở thật sâu, hãy đón nhận ánh nắng mặt trời, chào đón bạn bè với một nụ cười và trao tâm hồn bạn cho người khác trong từng cái bắt tay. Đừng sợ bị hiểu lầm và đừng phí thời gian nghĩ đến kẻ thù. Hãy tập trung vào những điều bạn muốn làm, không chùn bước, và bạn sẽ tiến thẳng đến đích. Hãy nghĩ đến những việc lớn lao và cao cả mà bạn muốn thực hiện trong đời. Rồi ngày tháng trôi qua, bạn sẽ thấy mình tự nhiên nắm được những cơ hội cần thiết để thực hiện mong muốn của mình, hệt như con tằm một khi đã nhả tơ thì sẽ miệt mài cho đến sợi tơ cuối cùng. Bạn hãy hình dung hình ảnh một nhân tài, đầy nhiệt huyết, có ích cho xã hội mà bạn khao khát trở thành. Hãy nuôi dưỡng hình ảnh này trong tâm trí, rồi dần dần bạn sẽ thấy mình đang trở thành con người đặc biệt đó… Suy nghĩ chính là điểm mấu chốt. Đó chính là nguồn gốc của mọi sáng tạo. Hãy duy trì một thái độ đúng đắn, một tinh thần dũng cảm, chân thành và vui vẻ. Mọi cơ hội sẽ đến từ sự khát khao và mọi mong ước chân thành đều sẽ được đáp ứng. Hãy ngẩng đầu thật cao và hiên ngang bước tới. Tất cả chúng ta đều là những nhân tài tiềm ẩn trong tư chất của chính mình”.
Người Trung Hoa có câu châm ngôn nổi tiếng: “Nếu không có nụ cười tươi tắn thì đừng mở hiệu buôn”. Nụ cười là sứ giả thiện chí của bạn truyền đi những thông điệp không lời hơn hẳn bất kỳ câu nói nào. Nụ cười làm bừng sáng cuộc đời của tất cả những ai nhìn thấy nó. Đối với những người luôn phải tiếp xúc với những bộ mặt cau có, đôi khi giận dữ thì nụ cười của bạn như tia nắng mặt trời chiếu ánh sáng lấp lánh, xuyên qua đám mây mù tăm tối. Và, không phải ngẫu nhiên mà một nhà thơ viết: “Khi cười, gương mặt chúng ta nở hoa”.
Cách đây vài năm, một cửa hàng bách hóa ở New York nhận ra áp lực mà những nhân viên bán hàng phải chịu trong ngày lễ Giáng sinh, họ đã cho treo một tấm bảng sau đây trước cửa:
GIÁ TRỊ CỦA NỤ CƯỜI
TRONG NGÀY LỄ GIÁNG SINH
Nụ cười không tốn kém mà đem lại rất nhiều thứ.
Nụ cười không chỉ làm giàu người nhận mà cả người cho.
Nụ cười xuất hiện trong nháy mắt nhưng có thể để lại dấu ấn suốt đời.
Không ai giàu có mà thiếu nụ cười, người nghèo khổ sẽ trở nên giàu có hơn nhờ nụ cười.
Nụ cười đem lại hạnh phúc trong gia đình, mang lại cảm hứng, thiện chí trong công việc và làm ấm áp thêm tình bạn.
Nụ cười là chốn nghỉ ngơi cho người mệt mỏi, là ánh sáng ban mai cho người nản chí, là tia nắng mặt trời cho người buồn tủi, là thuốc giải độc tốt nhất cho những hoài nghi, lo lắng và sợ hãi.
Nụ cười không thể mua, xin, vay mượn hay cướp đoạt, bởi vì nó chỉ có giá trị khi con người chân thành trao tặng cho nhau.
Và nếu như trong những phút mua sắm tất bật cuối cùng của bạn, nếu một vài nhân viên của chúng tôi quá mệt mỏi không nở nổi một nụ cười tặng bạn, bạn có thể rộng lượng gửi tặng họ một nụ cười của chính bạn không?
… vì không ai cần một nụ cười nhiều bằng người đã không còn một nụ cười nào nữa để cho đi!
* Đừng quên mỉm cười trong cuộc sống. Nụ cười của bạn mang lại hạnh phúc cho những người xung quanh và do đó cũng mang lại hạnh phúc cho chính bản thân bạn.
* Hãy mỉm cười với nhau - dù đó là người bạn chưa quen biết. Nụ cười ấy sẽ soi chiếu đến những góc khuất của tâm hồn và làm bừng sáng cả những nơi tăm tối nhất.
NGUYÊN TẮC 5:
HÃY MỈM CƯỜI
5 năm trước
Tôi rất ngưỡng mộ tài đức của ông Vũ,ông là tấm gương cho thế hệ trẻ chúng tôi.hy vọng và phấn đấu ước mơ của tôi là được gặp vị chủ tịch tuyệt vời này.chúc ông luôn dồi dào sức khỏe!
5 năm trước
có tri thức, thông tin rất khó, nhưng xử lý thông tin, áp dụng nó vào thực tiễn khó khăn rất rất nhiều lần
Ngô Văn Kiệt
5 năm trước
tôi có một đề nghị với tập đoàn về tủ sách nền tảng đổi đời như sau: thiết nghĩ tại sao chúng ta không tạo điều kiện để cho mọi người có thể đọc online trực tiếp trên trang này mà chỉ dừng lại ở mức giới thiệu qua cho mọi người danh sách các cuốn sách hay và chỉ giới thiệu sơ qua về chúng. Qua việc đọc trực tiếp trên trang này tạo cho mọi người thói quen đọc không chỉ dừng lại ở việc đọc thông qua sách mà còn đọc trực tiếp trên mạng, vừa làm cho mọi người nhất là giới trẻ biết đến trang nhiều hơn, qua đó nhằm quản bá trang đến nhiều người hơn để họ có thể biết về những tư tưởng cũng như chí hướng của ông Vũ nhiều hơn. Mong là ad đọc được và có thể tận dụng tối đa công nghệ trên mạng cũng như mạng xã hội để lan tỏa chí hướng của ông Vũ đến với mọi người nhiều hơn Xin cảm ơn!
5 năm trước
Ngày còn là học sinh mình đã đọc Đắc Nhân Tâm của tác giả Nguyễn Hiến Lê, tuy nhiên vào thời điểm đó mình chưa có cảm nhận nhiều lắm về kiến thức được viết trong cuốn sách... Hôm vừa rồi, mình đi bảo dưỡng xe tại Mazda Phú Thọ và vô tình mình được đọc cuốn Đắc Nhân Tâm do ông Đặng Lê Nguyên Vũ soạn lời bình... Đã mấy ngày nay mình tìm trên mạng, tìm một số hiệu sách về cuốn sách (khổ nhỏ) này nhưng không có. Nếu có thể Trung Nguyên tặng mình một cuốn nhé. Cám ơn Trung Nguyên đã truyền cảm hứng. Trân trọng!
5 năm trước
Rất hữu ích cho mọi người, học cách để đối nhân xử thế, học cách rèn luyện để giao tiếp tốt với mọi người, làm cho mọi người thực sự cảm thấy yêu quý mình.
5 năm trước
mình muốn phát triển, đất nước phát triển. Đắc Nhân Tâm – Dale Carnegie là một trong những cuốn sách nổi tiếng và bán chạy rất mọi thời đại. Nó đã thu hút được rất nhiều thế hệ của độc giả.