Giới thiệu sách
Henry Kissinger từng giữ chức cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford – thời Chiến tranh Lạnh giữa hai trục Nato với Warsava. Ông cũng là người đề xuất chính sách "Realpolitik" có vai trò mấu chốt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ giai đoạn 1969 – 1977, cùng chính sách “détente” với Liên Xô nhằm giải tỏa bớt mối quan hệ căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và nối lại quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, đàm phán tại Hiệp định Paris. Ông đã giành giải Nobel Hòa bình năm 1973 cho những nỗ lực đàm phán chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Ông cũng có nhiều đóng góp lớn vào thế giới quan của chủ nghĩa hiện thực đối với các khái niệm truyền thống như chủ quyền, cân bằng quyền lực và lợi ích quốc gia. Kissinger còn là tác giả của hàng loạt sách về chính trị và quan hệ quốc tế như: Ngoại giao, Vũ khí hạt nhân và chính sách đối ngoại, Về Trung Quốc, Kết thúc Chiến tranh Việt Nam: Lịch sử sự tham gia của Mỹ và thoát khỏi Chiến tranh Việt Nam… được các chính khách, ngoại giao và lãnh đạo thế giới quan tâm.
Trong cuốn sách “Trật tự thế giới”, Henry Kissinger đã mô tả và dựng lên mô hình cấu trúc quyền lực tại các khu vực trên thế giới. Đồng thời ông cũng gợi ra cho người đọc những suy ngẫm và tranh luận về việc chính sách ngoại giao của Mỹ nên ưu tiên theo đuổi hiện thực và lý tưởng. Dù theo đuổi cách tiếp cận hiện thực, song ông cho rằng có thể đạt được một trật tự thế giới ổn định nhờ ngoại giao thay vì áp đặt và ép buộc và tốt nhất là quyền lực chính danh – được thừa nhận. Bên cạnh đó, ông cho rằng các nước lớn là chủ thể có vai trò tạo ra và chi phối “trật tự thế giới”. Còn các nước nhỏ, dù có chủ quyền độc lập đi chăng nữa, cũng không phải là người chơi chính trên bàn cờ thế giới. Trong đó các cường quốc là chủ thể đóng vai trò quyết định đến “trật tự thế giới”. Ông cũng dành chương cuối để bàn về vấn đề công nghệ, đặc biệt là tin học và truyền thông đại chúng đã tác động mạnh mẽ đến dư luận, các nhà lãnh đạo đến những quyết định về chính trị hiện nay.